Ở nước ta, nếu sông Hồng đã làm nên nền văn minh phía Bắc thì sông Mã xứ Thanh cũng góp phần làm cho văn minh Việt phát triển rực rỡ với nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng. Đất “thang mộc”, đất “quân vương” và cũng từng là đất kinh kỳ đã đem đến cho Thanh Hóa sự ảnh hưởng và tiếp cận với chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng ở trong nước và bên ngoài, thể hiện rõ sắc thái văn hóa xứ Thanh hội tụ và lan tỏa vào văn hóa Việt.
Sẽ là tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước
Thanh Hoá nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, có diện tích hơn 11.000km2 và là tỉnh rộng thứ 5 cả nước. Với dân số 3,72 triệu người (số liệu năm 2022), Thanh Hoá là tỉnh đông dân nhất Việt Nam, chỉ sau 2 thành phố trực thuộc trung ương là TP HCM và Hà Nội.
Thanh Hóa là nơi kết nối giữa khu vực miền Trung và miền Bắc.
Với địa bàn trải rộng từ đồng bằng ven biển, trung du và miền núi, Thanh Hoá có 2 thành phố, 2 thị xã và 23 huyện. Trong đó, Sầm Sơn là thành phố nhỏ nhất Việt Nam với diện tích gần 45km2, chiếm khoảng 0,4% diện tích toàn tỉnh.
TP Sầm Sơn được thành lập năm 2017 nhưng đã có truyền thống du lịch hơn 100 năm. Bên cạnh hoạt động tắm biển, thành phố nhỏ nhất Việt Nam còn tổ chức nhiều lễ hội để thu hút khách du lịch. Năm 2022, Sầm Sơn đã đón hơn 7 triệu lượt khách, gấp hơn 60 số dân thành phố.
TP Sầm Sơn đón hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm.
Với tiềm năng lớn, thành phố nhỏ nhất Việt Nam đã thu hút nhiều dự án của các tập đoàn lớn. Trong đó phải kể đến quảng trường biển Sầm Sơn rộng 2ha, sức chứa hơn 10.000 người. Bên cạnh đó là trục cảnh quan lễ hội dài 2,6km, rộng 120m kết nối đến Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng sông Đơ, tổ hợp công viên Sun World...
Phối cảnh siêu dự án của Sun World.
Thanh Hoá còn là nơi kết nối giữa khu vực miền Trung và miền Bắc. Nơi đây có hàng loạt tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc-Nam chạy qua. Năm 2022, Thanh Hóa là tỉnh có quy mô kinh tế đứng thứ 8 cả nước, cao nhất các tỉnh thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Đồng thời, tỉnh đông dân nhất Việt Nam cũng là địa phương có tổng vốn đầu tư FDI, giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nước hàng năm lớn nhất miền Trung.
Thanh Hóa sẽ là tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước vào năm 2045.
Theo quy hoạch đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP sẽ đạt từ 10,1% trở lên; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt trên 7.850 USD. Tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước, một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía bắc của Tổ quốc. Đến năm 2045, Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước...
Nơi hội tụ và kết nối những di sản văn hóa
Thanh Hóa là nơi sản sinh và bảo tồn nhiều yếu tố văn hóa Việt cổ và những dấu ấn văn hóa đặc sắc của cha ông trong chiều dày lịch sử dựng nước và giữ nước. Di tích khảo cổ học: Núi Đọ, Con Mong, Đa Bút, Hoa Lộc, Đông Sơn... minh chứng xứ Thanh là nơi xuất hiện những con người tối cổ và trường tồn cùng lịch sử dân tộc.
Làng cổ Đông Sơn đã có hàng ngàn năm tuổi, gắn với nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng.
Tỉnh Thanh Hóa cũng như Bắc Bộ là cái nôi của làng xã cổ truyền. Trải thời gian, miền quê này vẫn còn lưu lại những tên gọi về làng xã có tự xa xưa như: kẻ, xá, trang, hương, phường, vạn. Ngày nay tên kẻ còn được nhiều làng, xã tỉnh Thanh quen gọi: kẻ Rị, kẻ Chè, kẻ Lở, kẻ Lào, kẻ Xộp, kẻ Mơ, kẻ Trường, kẻ Mom... Những tên gọi cổ xưa ấy đến nay vẫn được người dân sử dụng. Phương ngữ xứ Thanh có nhiều thổ ngữ cổ, cùng gốc Việt Mường.
Về du lịch, Thanh Hóa có tới 1.535 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó có 145 di tích quốc gia. Nổi bật là Thành Nhà Hồ (Thành Tây Đô), công trình kiến trúc đá kỳ vĩ, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Không chỉ vậy, công trình này còn được trang CNN (Mỹ) công nhận là một trong 21 di sản nổi bật và vĩ đại nhất thế giới.
Thành Nhà Hồ được xây dựng chỉ trong 3 tháng năm 1397 nhưng đã tồn tại hơn 600 năm. Với tư cách là kinh đô của nhà nước Đại Việt cuối Trần đầu Hồ, Tây Đô được xây dựng dựa trên những nguyên tắc cơ bản về địa thế, phong thủy, tiền án hậu chẩm đều có hình sông thế núi bao bọc. Thành tọa lạc ở vị trí giáp ranh đồng bằng và miền núi, cảnh quan đẹp, sông núi hài hòa, địa hình đa dạng tạo lợi thế về quân sự. Phía bắc có núi Thổ Tượng, phía tây có núi Ngưu Ngọa, phía đông có núi Hắc Khuyển, phía nam còn là nơi hội tụ của sông Mã chảy từ phía Tây về và sông Bưởi chảy tới. Thành Nhà Hồ được kết cấu gồm 3 phần: La thành, Hào thành và Hoàng thành.
Thành Nhà Hồ là di sản được UNESCO công nhận tại Thanh Hóa.
Tòa thành này từng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của nước Đại Ngu dưới triều Hồ (1400-1407). Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, hầu hết Hoàng thành đã bị phá hủy, nhưng thành quách gần như còn nguyên vẹn.
Tòa thành đã tồn tại hơn 600 năm dù chỉ xây dựng trong 3 tháng.
Qua các đợt khai quật và nghiên cứu, các nhà khoa học đánh giá, giá trị nổi bật và khác biệt của Thành Nhà Hồ là sự thể hiện khả năng xây xếp những khối đá khổng lồ, được ghè đẽo vuông vức đạt đến độ chính xác tuyệt đối, để xây thành một công trình vĩ đại của khu vực Đông Á, Đông Nam Á cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV.