Hồi tháng 5, một nhóm nghiên cứu do Phó Giáo sư Alfredo Franco-Obregón từ Viện Công nghệ và Đổi mới Y tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS iHealthtech) dẫn đầu đã công bố phát hiện một phương pháp mới sử dụng xung điện từ ngắn và nhẹ để kích thích tế bào cơ sản xuất protein có khả năng chống ung thư. Những protein này sau đó hòa tan vào máu và lan tỏa khắp cơ thể, giúp bảo vệ toàn bộ hệ thống miễn dịch khỏi bệnh ung thư.
Trong một nghiên cứu trước đây, Phó Giáo sư Franco-Obregón và nhóm của ông đã chứng minh rằng chỉ cần 10 phút tiếp xúc với liệu pháp từ tính mỗi tuần, trong vòng 8 tuần, cũng đủ để tạo ra chất ức chế khối u HTRA1 - tương tự như hiệu quả của việc tập thể dục hai lần mỗi tuần trong 20 phút, kéo dài 8 tuần.
Tập thể dục đã được chứng minh là một biện pháp giúp bảo vệ cơ thể chống lại ung thư, bao gồm giảm nguy cơ mắc các loại ung thư như ung thư vú, tuyến tiền liệt và ruột kết, đồng thời cải thiện tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, do quá trình ung thư phát triển và các tác dụng phụ từ việc điều trị có thể làm suy nhược cơ thể, không phải bệnh nhân nào cũng đủ sức khỏe để tận dụng lợi ích chống ung thư từ việc tập thể dục.
Phó Giáo sư Franco-Obregón giải thích: "Phương pháp kích thích tế bào cơ của phòng thí nghiệm BICEPS sử dụng một liệu pháp từ tính tương tự như tác dụng của việc tập thể dục. Nghiên cứu mới nhất của chúng tôi đã chứng minh rằng phương pháp kích thích cơ không xâm lấn này có thể kích hoạt khả năng chống ung thư tương tự như tập thể dục, đưa chúng ta tiến gần hơn đến việc phát triển phương pháp điều trị không cần thuốc và khám phá các dấu ấn sinh học liên quan đến ung thư".
Ngoài ra, các tế bào cơ được kích thích bằng từ trường cũng có khả năng thu nhỏ các khối u nhỏ và ức chế sự phát triển của mạch máu nuôi dưỡng khối u. Hiện tại, các nhà khoa học đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng để đánh giá hiệu quả của liệu pháp từ tính này trong việc chống lại ung thư, đặc biệt là ở những người mắc ung thư vú và các loại ung thư khác. Họ cũng kỳ vọng sẽ xác định được các dấu ấn sinh học chống ung thư khác do tế bào cơ sản xuất và giải phóng.
Theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch Y tế Toàn cầu, Singapore đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Canada về Chỉ số du lịch y tế giai đoạn 2020-2021. Đánh giá này dựa trên ba tiêu chí chính: độ hấp dẫn của điểm đến, mức độ an toàn và chất lượng chăm sóc y tế. Trước đại dịch Covid-19, mỗi năm có khoảng 500.000 bệnh nhân từ khắp nơi trên thế giới đến Singapore để điều trị y tế. Các dịch vụ được ưa chuộng bao gồm điều trị ung thư, phẫu thuật chỉnh hình phức tạp và phẫu thuật tim. Ước tính, ngành du lịch y tế đã đóng góp hơn 1 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Singapore.