Tiếp tục nghiên cứu các phương án giảm giá xăng dầu

(CL&CS) - Hiện nay, giá xăng dầu đã đồng loạt giảm mạnh nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng khoảng giá 25.000 đồng/lít với xăng vẫn cao so với đời sống người dân.

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 4648/VPCP-KTTH ngày 25/7/2022 về việc nghiên cứu đề xuất giảm các loại thuế, phí. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục nghiên cứu các phương án giảm giá xăng dầu.

Hiện trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu có 4 loại thuế: nhập khẩu, bảo vệ môi trường, tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng. Ngoài ra còn có các loại chi phí, như lợi nhuận định mức, chi phí định mức, vận chuyển.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) với xăng không chì về 10% thay vì mức đề xuất điều chỉnh thuế nhập khẩu MFN này từ 20% về 12% như trước đó.

Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến thẩm định về dự án Nghị định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10.

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu xăng

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) viêc bình quân giá xăng dầu thế giới vẫn sẽ biến động bất thường và khó lường, sẽ dao động 145-155 USD/thùng.

Sang quý IV, giá thành phẩm xăng dầu thế giới được dự báo hạ nhiệt, về 110-115 USD/thùng. Theo đó, dự báo giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng sẽ giảm mạnh, về mức 24.000 đồng/lít với xăng và 20.000 đồng/lít với dầu.

Tại kỳ điều hành giá mới nhất ngày 20/7, Liên bộ Công Thương - Tài chính đã giảm giá tất cả các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, giá xăng RON95 giảm 3.605 đồng/lít, về mức 26.070 đồng/lít; giá xăng E5 RON92 giảm 2.715 đồng/lít, về mức 25.073 đồng/lít. 

Thời hạn để Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ là trước ngày 30/7/2022.

TIN LIÊN QUAN