Phức hợp alpha lactalbumin-oleic acid (HAMLET) - một chất có trong sữa mẹ, đã được phát hiện từ năm 1995 bởi nhóm nghiên cứu của Giáo sư Catharina Svanborg (Đại học Lund, Thụy Điển) và nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới khoa học.
Theo nhiều nhóm nghiên cứu, khả năng tiêu diệt tế bào ung thư một cách chọn lọc của HAMLET đã mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng trong điều trị ung thư. Tuy nhiên, việc tạo ra phức hợp này một cách ổn định và quy mô lớn để sản xuất thuốc vẫn còn là một thách thức lớn đối với các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới. Các nhà khoa học mới chỉ tạo được phức hợp HAMLET ở quy mô phòng thí nghiệm và ổn định trong thời gian ngắn.
Sau thời gian dài tìm tòi, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ người Việt Nam Trần Thị Hiền (40 tuổi) cùng Giáo sư Catharina Svanborg đã tìm ra quy trình tạo phức hợp đưa vào thử nghiệm lâm sàng và quy mô sản xuất công nghiệp. Đây cũng là nhóm nghiên cứu đầu tiên làm được điều này.
Theo nghiên cứu, phức hợp HAMLET có thành phần alpha lactalbumin là một protein tìm thấy trong sữa bò hoặc sữa mẹ nên có tính an toàn cao. Phức hợp không gây ra độc tính hay tác dụng phụ như các thuốc hóa trị, xạ trị thường thấy mà đặc hiệu trên tế bào ung thư.
Từ năm 2015, Tiến sĩ Hiền cùng nhóm nghiên cứu đã không ngừng nỗ lực để tìm ra quy trình sản xuất ổn định phức hợp này trên quy mô công nghiệp. Sau gần một thập kỷ nghiên cứu, nhóm đã đạt được bước đột phá quan trọng khi hoàn thiện quy trình và phát triển thành công một chế phẩm đáp ứng tiêu chuẩn GMP. Bên cạnh đó, nhóm cũng đã xây dựng phương pháp đánh giá hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư của thuốc sau khi sản xuất.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu đã đạt được những kết quả khả quan trong giai đoạn tiền lâm sàng khi áp dụng phức hợp HAMLET trong điều trị và dự phòng đối với nhiều loại ung thư khác nhau, bao gồm ung thư đại trực tràng, tuyến tiền liệt, cổ tử cung, khoang miệng, da, gan, dạ dày, phổi, vú, hạch bạch huyết, vòm họng. Đặc biệt, phức hợp HAMLET đã được FDA phê duyệt để tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên bệnh nhân ung thư bàng quang và giai đoạn 1 trên bệnh nhân ung thư não ác tính.
Phức hợp này đã được chứng minh có khả năng tiêu diệt đặc hiệu tế bào nhiễm virus HPV, mở ra hướng đi mới trong điều trị các bệnh liên quan đến HPV, đặc biệt là ung thư cổ tử cung. Bằng cách tấn công RNA của virus HPV, phức hợp HAMLET tiêu diệt virus và khiến virus chết. Điều đáng chú ý là phức hợp này không gây hại đến tế bào lành, đảm bảo tính an toàn cao.
Tiến sĩ người Việt đang lên kế hoạch đưa công nghệ sản xuất này về nước. Cô cũng sẵn sàng hợp tác chuyển giao công nghệ cho Việt Nam với mục tiêu phát triển thuốc điều trị ung thư giá cả phải chăng hơn. Cô mong muốn hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia, bác sĩ, nhà khoa học và các tổ chức trong nước để tiến hành thử nghiệm lâm sàng và đưa sản phẩm vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị ung thư cho người bệnh Việt Nam.
"Đây là khác biệt lớn nhất so với các thuốc ung thư hiện nay, khiến chúng trở thành ứng viên tiềm năng cho các phương pháp điều trị bệnh" - Tiến sĩ Hiền khẳng định.