Tích cực gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản

(CL&CS) - Trước những khó khăn mà doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM đang gặp phải, chính quyền thành phố bắt đầu có những động thái mạnh mẽ nhằm hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Thủ tục hành chính chưa xong lại lo chống dịch

Thị trường bất động sản cả nước nói chung, TP.HCM nói riêng đang đứng trước vô vàn khó khăn trước sự hoành hành của dịch Covid-19. Doanh nghiệp không tổ chức các sự kiện đông người như tiếp thị, mở bán sản phẩm, động thổ, khởi công, các hoạt động xây dựng, mua sắm thiết bị cũng gián đoạn.

Tâm lý khách hàng cũng “ngán ngại” xuống tiền mua sản phẩm bất động sản vào thời điểm này, thay vào đó tập trung vào việc bảo đảm nhu cầu thiết yếu về tiêu dùng ăn uống, y tế. Nhiều mặt bằng buộc phải trả lại do khách thuê ít, kinh doanh dịch vụ ngưng trệ, bất động sản nghỉ dưỡng lâm cảnh đìu hiu…

Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết kế hoạch tổ chức các buổi lễ mở bán của đơn vị đều bị hoãn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Điều này ảnh hưởng khá lớn tới tình hình kinh doanh, do việc chuyển đổi từ mở bán tập trung sang tư vấn qua điện thoại di động, hệ thống điện tử khách hàng chưa kịp thích ứng và công việc tư vấn của nhân viên kinh doanh cũng khó khăn hơn.

CTCP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi không thể tổ chức các buổi mở bán tập trung. Thậm chí Phúc Khang còn phải phát đi thông báo gửi khách hàng muốn làm việc tại văn phòng công ty thì phải gọi điện để đặt lịch, nếu không có lịch hẹn có thể sẽ không được phục vụ để hẹn lại lịch làm việc. Những động thái này gây ra sự bất tiện đáng kể cho hoạt động kinh doanh của công ty.

Rất nhiều công ty bất động sản rơi vào hoàn cảnh tương tự, vừa lo chăm sóc khách hàng vừa lo chống dịch, khiến cho việc kinh doanh đã khó khăn nay trở nên khó khăn hơn gấp bội.

Thị trường bất động sản TP.HCM đang gặp vô vàn khó khăn trong mùa dịch Covid-19.

“Cứu” doanh nghiệp địa ốc

Trước những khó khăn mà doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM đang gặp phải, chính quyền thành phố bắt đầu có những động thái mạnh mẽ nhằm hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Đầu tiên là tháo gỡ những nút thắt trong thủ tục hành chính, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, trong 10 ngày tiếp nhận phản ánh, thắc mắc của doanh nghiệp, các sở ngành thành phố phải có trả lời hoặc hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp, không để sự trì trệ trong thực thi pháp luật, chính sách, không thể “ngâm” hồ sơ trong khi nhiều doanh nghiệp chịu lãi suất ngân hàng và các chi phí khác đã đổ vào dự án.

UBND thành phố cũng sẽ thành lập tổ công tác họp hằng tuần và đến ngày 30/4 phải giải quyết xong các vướng mắc doanh nghiệp bất động sản, đồng thời định kỳ 3 tháng lãnh đạo thành phố sẽ cùng làm việc với các doanh nghiệp bất động sản.

Để vượt qua đại dịch Covid-19, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng liên tục đưa ra nhiều khuyến cáo như điều chỉnh lại dây chuyền sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tác thuê mặt bằng đồng thời “tái cấu trúc doanh nghiệp” theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, kinh doanh online vào lĩnh vực bất động sản.

HoREA cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung doanh nghiệp bất động sản là đối tượng được xem xét gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế giá trị gia tăng vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid 19; chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ đối với các khoản nợ đến hạn của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.

Nguyên Vũ

 

Nên đọc