Thủy điện: “Nghề nguy hiểm”, kinh doanh phập phù

(CL&CS) - Vụ sạt lở ở Rào Trăng 3 đang là nỗi đau của cả nước. Và Thủy điện là “nghề nguy hiểm” nhưng kết quả lại không tương xứng. Báo cáo tài chính quý 3/2020 của một số doanh nghiệp cho thấy hoạt động kinh doanh ngành này khá phập phù.

Để có được dòng điện cho khách hàng sử dụng, rất nhiều cái giá đã phải trả và đây không phải nghề “hốt bạc”. Báo cáo tài chính quý 3/2020 của một số doanh nghiệp cho thấy hoạt động kinh doanh ngành này khá phập phù.

Đáng kể nhất là Công ty cổ phần Thủy điện Sông Vàng (SVH). Cho đến thời điểm này, Sông Vàng là đơn vị đầu tiên trong ngành công bố thua lỗ trong quý 3/2020.

Cụ thể, trong quý 3/2020, SVH thua lỗ 3,1 tỷ đồng, giảm đáng kể so với khoản lỗ 5,7 tỷ đồng của quý 3/2019. Lũy kế 9 tháng đầu năm, SVH chỉ lãi 3,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 469 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái.

SVH thua lỗ bất chấp doanh thu vẫn được cải thiện. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 3 đạt 6,1 tỷ đồng, tăng 1,8 tỷ đồng, tương đương 41,9% so với quý 3/2019, lũy kế 9 tháng đạt 32,1 tỷ đồng. Nguyên nhân của nghịch lý này chính là giá vốn hàng bán vẫn cao hơn doanh thu. Chỉ tiêu này trong quý 3 lên tới 6,6 tỷ đồng.

Các đơn vị khác trong ngành thủy điện dù không thua lỗ như SVH nhưng tình hình kinh doanh lại có xu hướng đi lùi. Rất nhiều đơn vị chứng kiến sự sụt giảm của nhiều chỉ tiêu kinh doanh quan trọng.

Công ty cổ phần Thủy điện Sê San 4A chứng kiến sự sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 3 của công ty chỉ đạt 49 tỷ đồng, giảm 34,3 tỷ đồng, tương đương 41,2%, lũy kế 9 tháng đạt 134,7 tỷ đồng, giảm so với 186,5 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Sê San 4A đã có lý giải cho sự sụy giảm này. Sê San 4A cho biết công ty “Chủ yếu sản xuất điện thương phẩm, doanh thu bán hàng từ sản xuất điện, nguồn nguyên liệu chính phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước thiên nhiên. Trong quý 3/2020 do điều kiện thời tiết không thuận lợi bằng quý 3/2019 nên việc chạy máy phát điện ít ổn định hơn, do đó doanh thu và lợi nhuận kỳ này thấp hơn so với cùng kỳ năm trước”.

Công ty cổ phần Thủy điện Cần Đơn cũng không thoát được xu hướng tăng trưởng âm. Doanh thu trong quý 3 năm nay chỉ là 112,6 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 171,1 tỷ đồng quý 3/2019. Lũy kế 9 tháng, doanh thu giảm từ 317,1 tỷ đồng xuống 243,1 tỷ đồng.

Kết quả là lợi nhuận sau thuế quý 3 của Thủy Điện Cần Đơn chỉ là 44,5 tỷ đồng, giảm 26,8 tỷ đồng, tương đương 37,6% so với quý 3/2019, lũy kế 9 tháng giảm từ 115,3 tỷ đồng xuống 75,9 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Thủy điện – Điện lực 3 (DRL) may mắn hơn cả khi tăng trưởng đáng kể khi đa số các chỉ tiêu quan trọng đều tăng trưởng dương.

Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 3/2020 của DRL đạt tới 24,6 tỷ đồng, tăng 8,9 tỷ đồng, tương đương 56,7% so với quý 3/2019. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng đầu năm, doanh thu lại giảm từ 63,8 tỷ đồng xuống còn 62 tỷ đồng.

Doanh thu tăng nhưng chi phí lại giảm nên trong quý 3, lợi nhuận sau thuế đạt tới 14,7 tỷ đồng, tăng 6,2 tỷ đồng, tương đương 72,9%. Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế 9 tháng lại giảm từ 40,7 tỷ đồng xuống 37,8 tỷ đồng.

Nước là yếu tố quyết định tới hiệu quả ngành thủy điện. Trong khi Sê San 4A đi lùi vì thiếu nước thì DRL lại được nước “ủng hộ”. Công ty cho biết năm nay, lượng nước về nhiều và ổn định hơn năm ngoái nên công ty tăng trưởng tốt về cả lợi nhuận và tiền nộp thuế.

TIN LIÊN QUAN