Thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới

(CL&CS) - Sáng 29/7, Bộ Tài chính phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo quốc tế “Thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam”.

Sự phát triển của công nghệ và internet cùng với sự thay đổi thói quen tiêu dùng và mô hình kinh doanh thương mại do đại dịch Covid-19 đã làm cho thương mại điện tử (TMĐT) và dịch vụ số xuyên biên giới ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Toàn cảnh hội thảo.

Tại Việt Nam, TMĐT đã và đang phát triển nhanh, việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo... thông qua các website TMĐT, sàn giao dịch TMĐT, các mạng xã hội của nước ngoài trở nên phổ biến. Thị trường TMĐT ở Việt Nam đạt khoảng 13,7 tỷ USD năm 2021, tăng khoảng 15% so với năm 2020 và được dự báo có thể đạt 39 tỷ USD vào năm 2025, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có thị trường TMĐT đứng thứ ba trong khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, phát triển hoạt động TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới cũng đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt là liên quan đến quản lý thuế do những khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, xác định căn cứ tính thuế…

Với định hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa đảm bảo ngăn ngừa, chống thất thu, mở rộng cơ sở thu thuế, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuế như Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP; Thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh…

Như vậy, hoạt động TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới, mặt khác thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế. Ngày 12/11/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định số 2146/QĐ-BTC về Kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp tại Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam” nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế đối với TMĐT trong nước và xuyên biên giới, chú trọng hoạt động cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.

Để góp phần vào việc hoàn thiện và nâng cao hiệu quả chính sách và quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới, Hội thảo quốc tế “Thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam” được tổ chức để trao đổi, thảo luận nhằm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp quản lý thuế hiệu quả đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới.

Hội thảo tập trung thảo luận 4 nhóm nội dung: (i) Thực trạng chính sách và quản lý thuế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới ở Việt Nam hiện nay; (ii) Những hạn chế, thách thức trong chính sách và quản lý thuế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới hiện nay; (iii) Xu thế và kinh nghiệm của các nước trong chính sách và quản lý thuế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới; (iv) Các giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách và quản lý thuế đối với TMĐT, dịch vụ số xuyên biên giới.

Trên cơ sở thảo luận các nội dung trên, Hội thảo gợi mở thêm nhiều vấn đề mới và các giải pháp cần quan tâm cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, các giảng viên, các nhà nghiên cứu, nhằm góp phần hoàn thiện về chính sách và quản lý thuế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới của Việt Nam, trọng tâm là hiện đại hóa công tác quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu, sửa đổi, bổ sung các quy định thuế hiện hành và các pháp luật chuyên ngành có liên quan, tăng cường hợp tác giữa cơ quan thuế với các bộ, ngành có liên quan cũng như hợp tác quốc tế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới.

TIN LIÊN QUAN