Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, nhằm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại. Một trong những mục tiêu trọng tâm là đến năm 2030, số lượng doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp KH&CN tăng gấp đôi so với năm 2020.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chiến lược đề ra nhiều giải pháp: tiếp tục rà soát, điều chỉnh, triển khai các cơ chế, chính sách phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, sử dụng công nghệ mới, chuyển đổi số nội địa thay vì phụ thuộc nhập khẩu. Hiện, Bộ KH&CN đang nghiên cứu xây dựng Chương trình Ươm tạo và phát triển doanh nghiệp KH&CN đến năm 2030 nhằm thúc đẩy nghiên cứu, tạo sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao.
Doanh nghiệp KH&CN cần được hỗ trợ, khuyến khích phát triển hơn nữa. (Ảnh minh họa)
Theo ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), tính đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp hoạt động theo mô hình KH&CN. Tuy nhiên, số doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự trùng lặp ưu đãi chính sách, thủ tục bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và giao quyền kết quả nghiên cứu phức tạp, điều kiện doanh thu để duy trì chứng nhận cao, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp mới khởi nghiệp lẫn các tập đoàn đa ngành.
Trên thực tế, nhiều địa phương và doanh nghiệp trong nước bắt đầu chuyển mình mạnh mẽ, cho thấy tiềm năng lớn trong phát triển doanh nghiệp KH&CN nếu được hỗ trợ đúng hướng. Hà Nội hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về số doanh nghiệp KH&CN được chứng nhận với 181 doanh nghiệp (tính đến hết năm 2024). Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Đặc biệt, chỉ có 44 doanh nghiệp hình thành từ tài sản trí tuệ đã được bảo hộ, cho thấy tiềm năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu tại Thủ đô còn chưa được khai thác hết.
Tại Đà Nẵng, hiện thành phố có 19 doanh nghiệp KH&CN, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động trong các lĩnh vực cơ khí tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, y dược và bảo vệ môi trường. Trong đó, 5 doanh nghiệp được hình thành trước năm 2019, 9 doanh nghiệp trong giai đoạn 2019-2020 và 5 doanh nghiệp từ năm 2021 đến nay. Từ năm 2021, thành phố đã triển khai hơn 100 nhiệm vụ KH&CN các cấp với tổng kinh phí 140 tỷ đồng; đồng thời ban hành 59 văn bản cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Nhiều doanh nghiệp KH&CN mới như Công ty TNHH Môi trường Xanh SUSTECH, Công ty TNHH Công nghệ VOOC, Công ty TNHH DAT BIKE VIETNAM, Công ty CP Caris... cũng được hình thành từ các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Sở KH&CN. Trong đó, Công ty CP Dược Danapha là hình mẫu tiêu biểu cho doanh nghiệp KH&CN phát triển mạnh của Đà Nẵng. Được chứng nhận từ năm 2012 với 8 sản phẩm KH&CN, Danapha hiện có mặt tại hơn 20 quốc gia và nhiều năm liên tiếp đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia. Các sản phẩm thuốc đặc trị công nghệ cao của Danapha được đánh giá đã nâng tầm vị thế doanh nghiệp dược Việt Nam trên trường quốc tế.
Công ty TNHH Châu Đà, doanh nghiệp cơ khí được chứng nhận từ năm 2016 cũng chủ động đổi mới công nghệ, tự động hóa sản xuất với máy CNC, phát triển các sản phẩm như máy cắt tự động Plasma, robot xếp bao… phục vụ các tập đoàn lớn như Daiwa Việt Nam, Thaco Trường Hải và xuất khẩu ra Hàn Quốc, Nhật Bản.
Hay Công ty CP Tư vấn và Phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC) cũng đánh dấu bước tiến mới khi xuất khẩu lô “Tháp báo lũ thông minh” đầu tiên sang Philippines vào tháng 4/2025. Sản phẩm ứng dụng công nghệ IoT và điện toán đám mây, giúp giám sát và cảnh báo ngập lụt, đã chứng minh hiệu quả tại Đà Nẵng trong các đợt mưa lũ năm 2023-2024.
Tại Nam Định, hiện chỉ có 4 doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, trong khi còn khoảng 16 doanh nghiệp đang tham gia các nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, có tiềm năng phát triển. Các doanh nghiệp đã tích cực ứng dụng KH&CN, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhưng chưa tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp KH&CN.
Còn với Lâm Đồng, 7 doanh nghiệp KH&CN được cấp giấy chứng nhận đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị ứng dụng cao, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp dịch vụ chuyên môn khoa học và công nghệ mới đạt 200/1.000 doanh nghiệp, chỉ 0,8% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, cho thấy dư địa phát triển còn rất lớn.
Thực tế trên cho thấy, mặc dù cộng đồng doanh nghiệp KH&CN ngày càng lớn mạnh nhưng để bắt kịp yêu cầu phát triển, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn việc tháo gỡ rào cản về thủ tục, tài chính, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển bền vững. Khi đó, doanh nghiệp KH&CN mới thực sự trở thành lực lượng tiên phong, đóng vai trò dẫn dắt trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.