Sự kiện thu hút sự tham gia khoảng 500 giám đốc công nghệ và kinh doanh từ các tổ chức: ngân hàng, bảo hiểm và tài chính vi mô hàng đầu trên cả nước và diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/4/2024.
TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết, sự kiện “Đổi mới công tác tài chính tại Việt Nam WFIS 2024” được xây dựng đặc biệt để đưa ra những chủ đề cấp bách nhất trong ngành về chuyển đổi số. Đây là cơ hội để các nhà lãnh đạo, chuyên gia, giám đốc công nghệ và kinh doanh từ các tổ chức Ngân hàng, Bảo hiểm & Tài chính vi mô hàng đầu trong khu vực cùng chia sẻ, cập nhật các thông tin liên quan đến ngành tài chính. Đặc biệt, là kết nối thành công các nhà phát triển công nghệ, các chuyên gia, nhà đầu tư và đối tác kinh doanh toàn cầu…
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, hầu hết ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số và phát triển dịch vụ ứng dụng trên internet và điện thoại di động.
Tính đến tháng 11/2023, cả nước có trên 85 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 52 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động. Ngoài ra, còn có 51 tổ chức trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang hoạt động trên thị trường.
So với năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 49,95% về số lượng, giao dịch qua kênh Internet tăng 56,60% về số lượng và tăng 5,80% về giá trị. Giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng 61,14% về số lượng và tăng 11,65% về giá trị. Đối với giao dịch qua phương thức QR code tăng 171,68% về số lượng và tăng 74,16% về giá trị. Còn giao dịch qua POS tăng 18,77% về số lượng và tăng 20,64% về giá trị...
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ mới, ngân hàng lõi để phục vụ chuyển đổi số và ứng dụng vào hoạt động như: Công nghệ chuỗi khối (Blockchain); Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI); Công nghệ sinh trắc học (nhận diện giọng nói, khuôn mặt, vân tay, mống mắt)…
Đối với lĩnh vực Fintech, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 48 tổ chức không phải là ngân hàng, trong đó có hơn 40 đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, số lượng công ty Fintech đã tăng lên 4 lần, từ 39 công ty vào cuối năm 2015 lên đến hơn 154 công ty vào cuối năm 2021. Trong số các công ty Fintech tại Việt Nam, có khoảng 70% là công ty khởi nghiệp.
Trong thời gian tới, quá trình chuyển đổi số trong ngành Tài chính ngân hàng sẽ tiếp tục tăng tốc. Xu hướng ngân hàng hợp tác với Regtech, Suptech, Proptech cũng bắt đầu được triển khai tại Việt Nam dưới các hình thức khác nhau.
Trong đó, Regtech là ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ thực thi pháp lý dành cho các định chế tài chính (Regtech for Financial Institutions). Suptech là những ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ thực thi pháp lý dành cho các cơ quan quản lý, giám sát (Regtech for Supervisors). Còn Proptech là ứng dụng công nghệ thông tin và kinh tế nền tảng vào thị trường bất động sản, gọi tắt là công nghệ bất động sản.
Theo ông Praveen Venu - Giám đốc Kinh doanh Công ty Tradepass cho biết, chuỗi sự kiện “Đổi mới công tác tài chính thế giới 2024” có nhiều chủ đề mới xoay quanh sự phát triển và sức hấp dẫn ngày càng lớn của thị trường tài chính châu Á. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam là đơn vị đi đầu trong việc thúc đẩy đổi mới và hỗ trợ các ngân hàng, cùng các tổ chức tài chính tại Việt Nam. Do đó, Công ty Tradepass sẽ đồng hành cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam để lan toả hơn nữa trong những năm tới.