Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi đi kiểm tra hiện trường công tác thi công tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội (Nhổn - ga Hà Nội).
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, hiện dự án đạt tiến độ tổng thể khoảng hơn 77%, trong đó đoạn trên cao Nhổn - Kim Mã đã đạt 99,7%; dự kiến vận hành vào tháng 6/2024.
Với đoạn ngầm hiện đạt tiến độ khoảng 40%, nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh thi công kết cấu các ga ngầm để sớm khởi động thi công máy khoan hầm trong quý II/2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi kiểm tra hiện trường công tác thi công tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội (Nhổn - ga Hà Nội)
Ga ngầm S12 là ga sâu nhất trong số 4 ga ngầm của tuyến metro, với thiết kế 3 tầng hầm, điểm sâu nhất nằm 35m dưới mặt đường. Các ga ngầm còn lại chỉ có 2 tầng, sâu 29m. Ga ngầm S12 đang nằm trên "đường găng" tiến độ của dự án, nếu chậm sẽ kéo cả dự án chậm theo.
Trao đổi với Ban Quản lý dự án, Thủ tướng hoan nghênh các nhà thầu đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của dự án với Hà Nội, cũng như hiện trạng dự án, từ đó xác định rõ trách nhiệm, tăng cường nhân lực, máy móc để thi công xuyên Tết.
Thủ tướng cho biết, dự án đã kéo dài, do đó Chính phủ rất quan tâm vấn đề đẩy nhanh tiến độ, không để tiếp tục kéo dài, bởi càng kéo dài thì càng đội vốn, hiệu quả đầu tư thấp.
Về chất lượng, Thủ tướng cho rằng địa chất tại khu vực dự án tương đối phức tạp, cần nghiên cứu để xử lý tốt các vấn đề liên quan. Mặt khác, dự án có mặt bằng thi công hẹp, nên khi thi công càng cần bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường, tính toán công việc khoa học, hợp lý.
Cũng theo Thủ tướng, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm với các dự án metro, nên phải thuê tư vấn, nhà thầu nước ngoài, do đó mong được phía nước ngoài quan tâm chuyển giao công nghệ và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thủ tướng cũng đề nghị các nhà tư vấn, nhà thầu thiết kế, thi công tăng cường phối hợp chặt chẽ, nỗ lực, quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn, tiếp tục huy động nhân lực, máy móc làm việc xuyên lễ, xuyên Tết với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "chỉ bàn làm, không bàn lùi". Chính phủ, các cơ quan liên quan và Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy dự án.
Được biết, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, 1 depot và 12 ga (8 ga nổi, 4 ga ngầm), sử dụng vốn vay ODA.
Giữa năm 2023, dự án này đã được Chính phủ quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện từ năm 2009-2022 thành từ năm 2009-2027; đồng thời điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án thành 34.826 tỷ đồng (tăng thêm 1.916 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng ngân sách TP. Hà Nội tăng 3.896 tỷ đồng và vốn vay ODA giảm 1.980 tỷ đồng).
Cơ cấu nguồn vốn đầu tư dự án sau điều chỉnh, gồm: vốn vay ODA tương đương hơn 24.781 tỷ đồng (vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á là hơn 374 triệu USD; vốn vay Cơ quan phát triển Pháp gần 159 triệu Euro; vốn vay Ngân hàng Đầu tư Châu Âu là 125,5 triệu Euro; vốn vay Chính phủ Pháp hơn 355 triệu Euro) và vốn đối ứng ngân sách TP. Hà Nội là hơn 10.000 tỷ đồng.