Thu ngân sách ngành Hải quan giảm mạnh trong 10 tháng đầu năm

(CL&CS) - Số thu NSNN trong 10 tháng đầu năm của toàn ngành Hải quan đạt 250.466 tỷ đồng, bằng 74,10% dự toán, giảm 14,66% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong 10 tháng đầu năm của toàn ngành Hải quan đạt 250.466 tỷ đồng, bằng 74,10% dự toán, bằng 70,6% chỉ tiêu phấn đấu, giảm 14,66% so với cùng kỳ năm trước (293.477 tỷ đồng).

Trong 2 tháng còn lại của năm 2020, để phấn đấu thu đạt dự toán, toàn ngành tiếp tục thực hiện các chính sách, giải pháp về thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cục Thuế xuất nhập khẩu (XNK) đánh giá, mặc dù nền kinh tế đang trên đà phục hồi, hoạt động XNK có dấu hiệu khởi sắc hơn so với những tháng đầu năm 2020, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn tới giao thương hạn chế, nhu cầu hàng hóa sụt giảm, hoạt động thông quan hàng hóa khó khăn, nguồn lao động và “sức khỏe” của doanh nghiệp bị giảm sút, giá hàng hóa giảm mạnh.

Ngoài ra, tại thời điểm xây dựng dự toán, giá dầu thô được dự báo đạt 60 USD/1 thùng. Tuy nhiên, tính đến nay, giá dầu thô giảm xuống còn 40 USD/1 thùng đã trực tiếp làm trị giá của các mặt hàng XNK, gián tiếp giảm thu NSNN.

Bên cạnh đó, việc tham gia hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các Hiệp định thương mại tự do nói riêng, cơ hội và thách thức sẽ chia đều cho tất cả các bên, sẽ có những tác động hai chiều đối với kinh tế của nước ta.

Cụ thể, theo chiều hướng tích cực, kim ngạch XNK trong 10 tháng đầu năm đạt 439,81 tỷ USD, tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó tổng trị giá XK đạt 229,65 tỷ USD, tăng 4,9% và tổng trị giá NK đạt 210,16 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2019. Ở chiều ngược lại, tính đến nay, giảm thu NSNN do ảnh hưởng từ các hiệp định tự do thương mại là 8.200 tỷ đồng.

Với tình hình trên đã tác động và một số đơn vị hải quan đóng góp số thu lớn của toàn Ngành bị ảnh hưởng trực tiếp như: Cục Hải quan TP.HCM mới thu đạt 82.957 tỷ đồng, đạt 72,14% dự toán (115.000 tỷ đồng) giảm 16,56% so với cùng kỳ; Cục Hải quan Hải Phòng thu đạt 43.879 tỷ đồng, đạt 65,49% dự toán (67.000 tỷ đồng) giảm 24,34%; Cục Hải quan Đồng Nai thu đạt 11.819 tỷ đồng, đạt 61,24% dự toán (19.300 tỷ đồng) giảm 23,3%; Cục Hải quan Bà Rịa Vũng Tàu thu đạt 13.665 tỷ đồng, đạt 68,33% dự toán (20.000 tỷ đồng) giảm 16,46% so với cùng kỳ năm trước; Cục Hải quan Hà Nội thu đạt 18.122 tỷ đồng, đạt 77,78% dự toán (23.000 tỷ đồng), giảm 9,67% so với cùng kỳ; Cục Hải quan Bình Dương thu đạt 12.106 tỷ đồng, đạt 70,80% dự toán (17.100 tỷ đồng), giảm 8,59%; Cục Hải quan Bắc Ninh thu đạt 8.229 tỷ đồng, đạt 74,14% dự toán (11.100 tỷ đồng), giảm 3,58%; Cục Hải quan Hà Nam Ninh thu đạt 4.368 tỷ đồng, đạt 58,24% dự toán (7.500 tỷ đồng) giảm tới 28,95% so với cùng kỳ.

Một số đơn vị có số thu giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như Cục Hải quan TP.HCM, Cục Hải quan Hải Phòng, Cục Hải quan Đồng Nai, Cục Hải quan Quảng Nam, Cục Hải quan Đà Nẵng... Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm một số cục hải quan tỉnh, thành phố lại có kết quả thu tốt như: Cục Hải quan Cần Thơ đạt 2.885 tỷ đồng, bằng 122,72% so với dự toán; Cục Hải quan Khánh Hòa đạt 3.163 tỷ đồng, bằng 210,93% so với dự toán; Cục Hải quan Quảng Ngãi đạt 4.319 tỷ đồng, bằng 157% dự toán; Cục Hải quan Bình Phước đạt 1.276 tỷ đồng, bằng 159,58% so với dự toán, tăng thu so với cùng kỳ năm trước.

Trong 2 tháng còn lại của năm 2020, để phấn đấu thu đạt dự toán, toàn ngành tiếp tục thực hiện các chính sách, giải pháp về thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tập trung chống thất thu, kiểm tra sau thông quan, không để nợ thuế XNK phát sinh. Đặc biệt, toàn ngành thực hiện nghiêm, quyết liệt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ.

TIN LIÊN QUAN