Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập DN (TNDN) phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế TNDN theo quy định của Luật Thuế TNDN có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020.
Tuy nhiên, tiêu chí tổng doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2020 không áp dụng đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập DN, người nộp thuế chuyển đổi loại hình DN, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế năm 2021.
Đề xuất nêu trên thực chất là kéo dài chính sách đã áp dụng của năm 2020 theo Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội. Song, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các Ủy ban, Chính phủ đề xuất bổ sung thêm điều kiện tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020 để đảm bảo đối tượng được giảm thuế thực sự bị khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) theo đề xuất này là khoảng 2.200 tỷ đồng.
Miễn toàn bộ các loại thuế cho cá nhân, hộ kinh doanh
Đối với hộ kinh doanh (HKD), cá nhân kinh doanh (CNKD), Chính phủ đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng (GTGT) và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với HKD, CNKD trong mọi ngành nghề, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế.
Nội dung này, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội về tăng thêm mức hỗ trợ để đảm bảo việc thực hiện hỗ trợ bao quát đến các đối tượng HKD, CNKD gặp khó khăn mà không chỉ phân biệt trong hay ngoài vùng dịch hay khu vực giãn cách. Dự kiến số giảm thu NSNN theo phương án này là khoảng 8.800 tỷ đồng.
Giảm 30% thuế GTGT đối với hàng hóa dịch vụ thuộc ngành kinh tế khó khăn
Cùng với giảm thuế TNDN, Chính phủ đề nghị giảm thuế GTGT kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với DN, tổ chức hoạt động SXKD trong các ngành kinh tế, bao gồm: Vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); Dịch vụ lưu trú; Dịch vụ ăn uống; Hoạt động xuất bản (trừ xuất bản theo hình thức trực tuyến); Hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; Hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch; Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; Hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; Hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí.
Theo đó, DN, tổ chức thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động SXKD quy định tại khoản này. DN, tổ chức thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động SXKD quy định tại khoản này. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động SXKD quy định tại khoản này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định của Luật Thuế GTGT thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế GTGT.
Với đề xuất giảm mức thuế suất thuế GTGT như nêu trên thì đối tượng được thụ hưởng trực tiếp chính sách này là người mua hàng hóa, dịch vụ (do mức giảm 30% thuế suất thuế GTGT thể hiện trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của người bán, qua đó giảm số tiền mà người mua phải thanh toán); đồng thời cũng sẽ gián tiếp hỗ trợ cho hoạt động SXKD của DN, khuyến khích bán hàng tốt hơn, nhiều hơn, qua đó góp phần tăng khả năng cạnh tranh của DN.
Dự kiến số giảm thu NSNN theo phương án này là khoảng 5.000 tỷ đồng.
Miễn tiền chậm nộp
Về tiền phạt chậm nộp, Chính phủ đề xuất miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với DN, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.
Đề xuất này cũng tương tự với việc gia hạn thời hạn nộp thuế còn nợ của DN, tổ chức trong các năm 2020, 2021 và số tiền chậm nộp của các DN, tổ chức bị thua lỗ, khó có khả năng nộp ngân sách nên có tác động giảm gánh nặng nợ để DN, tổ chức có thể yên tâm và sớm hồi phục hoạt động SXKD. Dự kiến số giảm thu NSNN theo phương án này là khoảng 5.300 tỷ đồng.
Như vậy, tính chung việc thực hiện 4 đề xuất nêu trên có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tính chung các giải pháp đã được UBTVQH, Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền và các giải pháp như đề xuất, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho DN, người dân năm 2021 là khoảng 140 nghìn tỷ đồng.
Dự kiến sau khi các cơ quan tiếp thu hoàn thiện, Nghị quyết sẽ được ký ban hành trước ngày 1/10/2021.
Điều chỉnh 14.620 tỷ đồng tiết kiệm chi thường xuyên sang cho chống dịch Tại cuộc họp UBTVQH ngày 16/9 bàn về việc ban hành chính sách miễn giảm thuế cho các DN, hộ kinh doanh khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo UBTVQH, hiện nay Ngân sách dự phòng TW (17.500 tỷ đồng) đã chi hết, trong khi đó nhu cầu chi cho công tác phòng chống dịch đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch như Công an, Quân đội và các địa phương là rất lớn. Do đó, Chính phủ đã trình UBTVQH cho phép chuyển nguồn tiết kiệm chi thường xuyên 14.620 tỷ đồng điều chỉnh vào Dự phòng Ngân sách TW để thực hiện các nhiệm vụ chi cấp bách cho công tác phòng chống dịch COVID-19. |
Các giải pháp hỗ trợ cần được triển khai sớm! Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, hiện nay NSNN rất khó khăn. Trong bối cảnh giãn cách xã hội ở 23 tỉnh thành, DN cũng đang cực kỳ khó khăn, số thu thuế hiện giảm gần 50% và tới đây còn giảm nữa. Mặc dù có 8 tỉnh không có dịch nhưng cũng bị ảnh hưởng đáng kể về nguồn cung ứng hàng hóa, về thị trường, lao động… “Vào lúc khó khăn này, đây chính là ‘một miếng khi đói bằng một gói khi no’ để hỗ trợ DN”, Bộ trưởng nói. Liên quan đến việc quản lý thuế GTGT, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ chỉ đạo cơ quan thuế tăng cường quản lý, chống thất thoát, có biện pháp để đảm bảo đối tượng thụ hưởng chính sách là người tiêu dùng hàng hóa. “Lúc này, điều cấp thiết là các giải pháp hỗ trợ cần được triển khai sớm!”- Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh. |