Trong một nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm xúc tiến, kêu gọi đầu tư, tạo cơ chế chính sách thông thoáng cho hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh để thu hút các dự án, lấp đầy KCN, tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều thành tựu đáng nể.
Theo chia sẻ của ông Trần Văn Nam - Phó Trưởng Ban Quản lý (BQL) các KCN Bình Thuận trên báo Lao Động, đơn vị đã quan tâm triển khai công tác xúc tiến đầu tư cũng như tổ chức thực hiện nhiều hoạt động kêu gọi đầu tư vào KCN theo chức năng.
Với tham vọng lấp đầy các KCN trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, BQL các KCN của tỉnh đã phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng tăng cường giới thiệu tiềm năng, lợi thế cũng như mời gọi đầu tư vào tỉnh Bình Thuận, "dọn đường" cho nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến và tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh.
Mới đây, "thỏi nam châm" thu hút đầu tư vùng Nam Trung Bộ đã đón thêm 2 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 1.054 tỷ đồng: Dự án Nhà máy xỉ titan Sông Bình với vốn đăng ký 995 tỷ đồng tại KCN Sông Bình và Dự án Nhà máy sản xuất bao bì giấy Huy Tường với vốn đầu tư 50 tỷ đồng tại KCN Hàm Kiệm II.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã thu hút tổng cộng 87 dự án, bao gồm 25 dự án đầu tư nước ngoài và 62 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 17.720 tỷ đồng và 190,83 triệu USD.
Về mặt bằng chung, các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có nhiều lợi thế nổi bật như: Giá thuê đất, chi phí hạ tầng, chi phí nhân công rẻ và hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, giúp nhà đầu tư "rút ngắn" quá trình kết nối sản xuất kinh doanh cũng như nhập khẩu hàng hóa.
Cho đến hiện tại, môi trường đầu tư tại Bình Thuận hiện đang có nhiều chuyển biến tích cực, chính quyền địa phương chào đón và cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp hướng đến hoạt động hiệu quả, phát triển, tạo niềm tin để thu hút các "đại bàng" đến đầu tư.
Theo báo Bình Thuận, ngoài việc hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định, công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút vào các KCN trên địa bàn tỉnh nhà cũng đang được đẩy mạnh.
Trên thực tế, tình hình sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong các KCN của địa phương hiện vẫn đang ổn định và có đơn hàng nhằm duy trì hoạt động, đặc biệt ở lĩnh vực: May mặc, da giày, nông - lâm - thủy sản...
Trong vòng 4 tháng đầu năm 2024, doanh thu của các KCN ước đạt 3.350 tỷ đồng (tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái), đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu khoảng 80 triệu USD (tăng 15,5%) và nộp vào ngân sách 75 tỷ đồng (tăng 13,5%)...
Tỉnh Bình Thuận có diện tích 7.943,93km2 với dân số khoảng 1,3 triệu người, nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Vài năm trở lại đây, Bình Thuận được xem là "thỏi nam châm" thu hút đầu tư nhờ mạng lưới giao thông đồng bộ và nâng cấp toàn diện từ quốc lộ 1A, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, sân bay Phan Thiết...
Được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng với đường bờ biển kéo dài cùng bãi tắm nổi tiếng, tỉnh Bình Thuận phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế theo quy hoạch mới được phê duyệt.
Tỉnh Bình Thuận cũng được kỳ vọng trở thành mũi nhọn trong việc phát triển các KCN, năng lượng điện gió...