'Thoát' khỏi ngành BĐS bỏ phố về rừng, làm tranh từ quả thông khô bán tới 3.000.000 đồng/bức

"Có người thậm chí còn đặt 10 bức tranh của chị cùng 1 lúc để trang trí trong ngôi nhà mới".

Biết tới chị Kiều Linh qua 1 bài viết ở nhóm "Flex tới hơi thở cuối cùng", tôi liên hệ để tìm hiểu thêm về đam mê vẽ tranh, làm tranh từ quả thông khô và cuộc sống hiện tại của chị.

Sau đó tôi biết, hành trình tìm tới cuộc sống tự do, hạnh phúc của chị Trương Thị Kiều Linh (ngoài 30 tuổi, sống tại Lâm Đồng) cũng là điều nhiều người quan tâm. Vốn là 1 nhân viên tư vấn bất động sản tại TP. HCM, chị Trương Thị Kiều Linh có thu nhập không nhỏ, có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, sau cú sốc ba qua đời, người phụ nữ này sống trầm lặng hơn. Chị quyết định tìm về với núi rừng, ngày ngày làm nông rồi bén duyên với công việc làm tranh từ những quả thông khô nhặt từ rừng về. 

Chị Kiều Linh bén duyên với nghề làm tranh bằng thông khô đã được 2 năm.

"Chị chuyển về Lâm Đồng sống từ đợt dịch Covid-19 hoành hành, tới nay cũng đã được 4 năm. Từ khi chuyển về đây, chị và chồng đã thuê đất, làm 1 cái farm nhỏ để trồng thảo mộc để làm trà, chuyên hoa cúc chi và hoa hồng. Trong khoảng thời gian này, chị mới vô tình bén duyên với việc vẽ tranh, tính tới nay được khoảng 2 năm thôi.

Từ khi nhiều người biết đến chị và hỏi mua tranh nhiều hơn, chị mới bắt đầu làm nhiều và trở thành 1 công việc quen thuộc hàng ngày. Tới nay, làm tranh thông là nghề tay trái của chị, bên cạnh công việc chính là bán thảo mộc chứ trước đó chị chỉ làm cho vui, để thỏa mãn đam mê nghệ thuật của mình" - chị Kiều Linh nhớ lại về chặng đường bỏ phố về rừng, trong 1 chia sẻ ngắn với tôi.

Ban đầu, "bà chủ farm" chỉ tình cờ nhìn thấy 1 bức tranh thông trên mạng, chị phải thốt lên: "Bức tranh này dễ thương quá!". Tình cờ, chị Kiều Linh phát hiện cạnh nhà mình có rất nhiều thông, trên rừng còn có thêm dương xỉ, rêu - những thứ để khô tự nhiên cũng rất đẹp nên chị bắt đầu mày mò, gắn các nguyên liệu này thành 1 lẵng hoa. Sau khi chị Kiều Linh đăng tải lẵng hoa làm từ quả thông khô lên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự thích thú với sản phẩm này.

Sản phẩm đầu tiên của chị Linh được nhiều người khen ngợi.

"Hôm đó, lượt like bài viết trên trang cá nhân của chị lên tới gần 1.000 lượt, mọi người đặt mua nhiều nên chị tìm hiểu thêm trên Pinterest về các mẫu tranh khác nhau. Chị cũng bắt đầu học vẽ vì trước đó chị học về Luật nên không hề biết vẽ" - chị Kiều Linh tâm sự trong sự hứng thú, vui vẻ và nhiệt huyết với công việc mình đang làm.

Mỗi bức tranh đều là sự tận tâm của "bà chủ farm".
Ban đầu, chị Linh tự sáng tạo các mẫu tranh, sau này các khách hàng bắt đầu đề xuất mẫu, phong cách mong muốn.

Trong khoảng thời gian đầu làm tranh bằng thông khô, chị Kiều Linh "đau đầu" vì không thể gắn chắc từng quả thông lên tranh. Gặp thời tiết se se lạnh trên Đà Lạt (Lâm Đồng), những quả thông khô co lại thêm, dần tuột ra khỏi tranh. Lúc này, "cô gái thảo mộc" dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiền ngẫm nhưng cũng không tìm ra cách giải quyết khó khăn này. 

Chị Linh nhớ lại: "Sau này, chị phải tìm hiểu qua nhiều video, xem cách người ta dùng các loại keo khác nhau và tìm ra sản phẩm phù hợp. Cuối cùng chị thử nghiệm 1 loại keo và thành công mĩ mãn, chị để sản phẩm ngoài trời, dính mưa quả thông cũng không bị rơi nữa".

Mỗi bức tranh đều là sản phẩm chị Linh dành nhiều thời gian, tâm huyết mới có được.

Để làm ra những bức tranh đầu tiên, chị Linh và chồng cũng phải loay hoay, tốn nhiều công sức vì cắt, tạo hình quả thông khô rất khó. Một quả thông bình thường khá to nhưng 2 vợ chồng chị phải cắt, tỉa thành hình bông hoa nhỏ. "Sau công đoạn vẽ, tô màu cho tranh, tô màu từng quả thông, chị phải chọn tạo hình thông phù hợp để đính lên bức tranh. Chỉ riêng công đoạn gắn thông lên tranh, chị đã mất khoảng 3-4h. Chị thường mất khoảng 20h mới có thể hoàn thiện mọi công đoạn, cho ra đời 1 bức tranh hoàn chỉnh".

Chị Linh bên những "đứa con tinh thần" của mình.

Ngoài việc thỏa mãn đam mê nghệ thuật, chị Kiều Linh và chồng còn có thể kiếm tiền nhờ những sản phẩm tranh từ quả thông khô. Tới hiện tại, "tài sản" tranh làm từ thông khô của chị đã rơi vào khoảng 250 bức tranh. Ban đầu, chị Kiều Linh bán tranh với giá 1.200.000 đồng/bức. "Sau này, chị nghĩ mình nên tập trung vào giá trị từng bức tranh vì nếu chạy theo số lượng, giá cả thì đó không còn là nghệ thuật nữa. Từ đó tới nay, chị bán tranh với giá dao động từ 800.000 nghìn đồng đến 3.000.000 đồng/bức, từng size, tùy mẫu. Tuy giá tranh cao hơn trước nhưng tranh được đầu tư kỹ lưỡng, kỳ công và mất thời gian. Sau khi chị tăng giá tranh, khách cũng không có phản ứng gì, họ là người yêu cái đẹp, yêu nghệ thuật nên không quá quan tâm tới giá cả. 

Bản thân chị nghĩ các sản phẩm handmade cũng xứng đáng có mức giá tốt hơn vì chúng ta sẽ mất nhiều công sức hơn sản xuất các sản phẩm khác. Thậm chí, khách hàng của chị còn phải chờ 1 thời gian dài mới nhận được tranh nhưng họ vẫn vui vẻ. Chị cần rất nhiều cảm xúc khi vẽ tranh, không phải lúc nào cũng có thể chạy đua với thời gian để sản xuất tranh ồ ạt. Khách hàng hiểu điều ấy nên họ cho chị nhiều thời gian hơn. Có người thậm chí còn đặt 10 bức tranh của chị cùng 1 lúc để trang trí trong ngôi nhà mới".

Tranh từ quả thông khô có tính ứng dụng cao.

Dù hiện tại số lượng khách hàng đặt tranh của chị Kiều Linh ngày càng tăng lên nhưng chị không có ý định mở rộng kinh doanh mặt hàng này. Chia sẻ với tôi trong cuộc trò chuyện, chị mong muốn những bức tranh mình làm ra sẽ đặc biệt hơn, kỳ công hơn nữa chứ tuyệt đối không bán đại trà. Trong tương lai, nếu có thể, "cô gái thảo mộc" cũng sẽ tìm hiểu để bán tranh ở thị trường nước ngoài để phục vụ nhu cầu thẩm mỹ của khách.

Ảnh: NVCC