Thị trường trái phiếu: Nhà đầu tư cần cẩn trọng

(CL&CS) - Thị trường trái phiếu tiếp tục tăng vọt về lượng phát hành. Tuy nhiên, nhà đầu tư được cảnh báo “Lãi suất không phải là tất cả, nhà đầu tư cần cẩn trọng”.

Công ty chứng khoán SSI đã công bố tình hình trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) quý 2/2021.

Lượng phát hành tăng vọt trong quý 2/2021

Trong quý 2/2021, các doanh nghiệp phát hành 164 nghìn tỷ đồng trái phiếu, gấp 3,66 lần lượng phát hành trong quý 1/2021 và tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, 89% là phát hành riêng lẻ trong nước.

Có 2 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,2% tổng lượng phát hành) phát hành ra công chúng của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc và CTCP Glexhomes; có 700 triệu USD (tương đương 16 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,8% tổng lượng phát hành) là trái phiếu quốc tế của CTCP Vingroup và CTCP bất động sản BIM.

Thị trường trái phiếu tiếp tục tăng vọt về lượng phát hành. Tuy nhiên, nhà đầu tư được cảnh báo “Lãi suất không phải là tất cả, nhà đầu tư cần cẩn trọng”.

Các ngân hàng thương mại là tổ chức phát hành nhiều nhất trong quý 2/2021, tổng cộng 67 nghìn tỷ đồng (tăng 41% so với cùng kỳ và chiếm 41% tổng lượng phát hành trong quý). Nếu loại trừ trái phiếu ngân hàng, tổng lượng TPDN phát hành quý 2/2021 là 97 nghìn tỷ đồng, vẫn tăng 21% so với cùng kỳ. Tính chung nửa đầu năm 2021, tổng lượng TPDN phát hành là 208,9 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ 2020.

Quán quân phát hành vẫn là các doanh nghiệp bất động sản (92,3 nghìn tỷ đồng - chiếm 44,2%); sau đó đến các ngân hàng (68,2 nghìn tỷ đồng - chiếm 32,7%); năng lượng và khoáng sản (14,8 nghìn tỷ đồng - chiếm 7,1%); định chế tài chính phi ngân hàng (11,2 nghìn tỷ đồng - chiếm 5,4%); phát triển hạ tầng (6 nghìn tỷ đồng - chiếm 2,9%); và các doanh nghiệp khác.

Trái phiếu ngân hàng có lãi suất phát hành khá sát với lãi suất tiền gửi nên nhà đầu tư thông thường cũng ít tìm đến trái phiếu ngân hàng ngoại trừ các trái phiếu tăng vốn cấp 2 có lãi suất cao hơn hẳn lãi suất tiền gửi. Lãi suất phát hành bình quân của các TPDN (loại trừ trái phiếu ngân hàng) trong quý 2/2021 là 9,95% - giảm so với quý 1/2021.

Dù lãi suất phát hành TPDN nằm trong xu hướng giảm từ quý 3/2020 đến nay nhưng rất nhỏ so với mức giảm sâu của lãi suất tiền gửi. Chênh lệch giữa lãi suất phát hành TPDN và lãi suất tiền gửi giữ ở mức cao khiến thị trường TPDN tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2021.

Trái phiếu các doanh nghiệp niêm yết chiếm tỷ trọng cao hơn

Trong 6 tháng đầu năm, có 318 đợt phát hành trái phiếu của 169 doanh nghiệp. Tính bình quân, mỗi đợt phát hành có quy mô 657 tỷ đồng – cao hơn nhiều so với mức 207 tỷ đồng/đợt của năm 2020. Theo luật chứng khoán có hiệu lực từ 1/1/2021, các đợt phát hành riêng lẻ không bắt buộc phải chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp) như trước đây.

Bởi vậy, hiện tượng các tổ chức phát hành chia nhỏ thành 20-60 đợt phát hành với ngày phát hành, điều kiện điều khoản trái phiếu giống hệt nhau như năm 2020 đã không còn phổ biến trong nửa đầu 2021.

Có 55 doanh nghiệp niêm yết (DNNY) phát hành 107 nghìn tỷ đồng – chiếm 51,2% tổng lượng phát hành nửa đầu 2021, cao hơn mức 40,5% tổng lượng phát hành năm 2020 của trái phiếu do các DNNY phát hành. Nếu loại trừ trái phiếu ngân hàng, tỷ trọng trái phiếu các DNNY trong tổng TPDN phát hành 6 tháng đầu năm 2021 là 46% trong khi chỉ là 21,5% trong năm 2020.

Điều này đồng nghĩa với thông tin vể các tổ chức phát hành công khai, minh bạch hơn giai đoạn trước. Nhà đầu tư cá nhân giảm mua, ngân hàng và công ty chứng khoán là những nhà đầu tư TPDN nhiều nhất.

Trong nửa đầu năm 2021, các nhà đầu tư cá nhân mua gần 11 nghìn tỷ trên thị trường sơ cấp, tập trung vào trái phiếu bất động sản, ngân hàng và định chế tài chính phi ngân hàng. Lượng mua này chỉ bằng 47% lượng các nhà đầu tư cá nhân đã mua trong cùng kỳ 2020 và không phải bất ngờ khi quy định nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có hiệu lực.

Có tới 55,6% lượng TPDN phát hành là do các ngân hàng và công ty chứng khoán nắm giữ. Cụ thể, các NHTM mua vào 44,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,3%; các công ty chứng khoán mua 71,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,4%. Tổng vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán tại 31/12/2020 chỉ khoảng 93 nghìn tỷ đồng nên nhiều khả năng công ty chứng khoán chỉ đứng tên mua TPDN trên sơ cấp, nắm giữ ngắn hạn và nhanh chóng phân phối lại cho các nhà đầu tư khác. Các tổ chức trong nước khác mua 50,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% bao gồm các công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư chứng khoán.

Rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp đang tăng lên

SSI đánh giá môi trường lãi suất thấp giúp dòng tiền đầu tư cũng tìm đến kênh bất động sản nhiều hơn và các doanh nghiệp bất động sản tăng mạnh huy động vốn trái phiếu để triển khai các dự án, là nhóm phát hành nhiều nhất từ 2019 đến nay.

Tuy nhiên, dịch bệnh dai dẳng đang khiến cho môi trường kinh doanh của nhóm này bớt thuận lợi. Cụ thể: thanh khoản của thị trường bất động sản có xu hướng giảm cho thấy sức hấp thụ đang suy yếu dần; các hoạt động triển khai dự án, sự kiện mở bán bị gián đoạn do dịch bệnh; hoạt động đầu tư công các dự án cơ sở hạ tầng đang chậm hơn dự kiến.

Các yếu tố này làm tăng chi phí vốn do ứ đọng, ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền trả nợ gốc lãi trái phiếu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các trái phiếu năng lượng cũng đang chịu rủi ro khá lớn từ chính sách.

Quy hoạch điện VIII đã được Bộ Công thương triển khai xây dựng từ 2019 với định hướng đẩy mạnh năng lượng tái tạo và thu hút đầu tư bằng giá điện. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến các trái phiếu tài trợ các dự án điện mặt trời, điện gió tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua. Tổng số trái phiếu năng lượng phát hành từ 2019 đến 30/6/2021 là khoảng 65 nghìn tỷ đồng.

Tuy vậy, cho đến nay dự thảo Quy hoạch điện VIII vẫn đang trong quá trình thẩm định và chưa rõ sẽ sửa đổi theo hướng nào. Các doanh nghiệp năng lượng đặc biệt là năng lượng mặt trời vẫn đang sản xuất cầm chừng vì sức cầu hạn chế và chờ đợi cơ chế giá mới.

Vì vậy, SSI khẳng định: “Lãi suất không phải là tất cả, nhà đầu tư cần cẩn trọng”.

TIN LIÊN QUAN