Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ bước vào thời kỳ phát triển mới

(CL&CS) - Sau khi hồi phục trong năm 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được nhận định sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm trong năm 2024 do tác động từ nhiều điều khoản chặt chẽ hơn của Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ giúp các nhà đầu tư được hưởng lợi vì sẽ tạo nên sự minh bạch, cũng như chất lượng các lô TPDN phát hành.

Thị trường TPDN tiếp tục đóng vai trò là kênh huy động vốn trung dài hạn hiệu quả cho DN. Ảnh: ST

Áp dụng những yêu cầu cao hỗ trợ khôi phục niềm tin của thị trường

Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, trong năm 2023, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng, gồm 29 đợt phát hành ra công chúng trị giá 37.071 tỷ đồng (chiếm 11,9% tổng giá trị phát hành) và 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 275.028 tỷ đồng (chiếm 88,1% tổng số TPDN phát hành). Trong đó, ngân hàng là nhóm ngành phát hành nhiều nhất với 176.006 tỷ đồng (tương đương 56,5% tổng giá trị phát hành), theo sau là nhóm bất động sản với 73.202 tỷ đồng (chiếm 23,5%). Trong tháng 12, các doanh nghiệp đã mua lại 32.677 tỷ đồng, giảm 50,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Dữ liệu của Fiin Group lại cho thấy, thị trường TPDN riêng lẻ chứng kiến sự phục hồi nhẹ trong năm 2023 với giá trị phát hành mới đạt 345,8 nghìn tỷ (tăng 8,6% so với cùng kỳ). Về TPDN phát hành ra công chúng, Fiin cũng đánh giá giá trị phát hành cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc khi đạt 37 nghìn tỷ (tăng 74,6% so với cùng kỳ). “Hoạt động phát hành của các nhóm ngành đang cho thấy các dấu hiệu hồi phục sau một khoảng thời gian phát hành ảm đạm. Chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm trong năm 2024 do tác động từ nhiều điều khoản về quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm bắt buộc của Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã đi vào hiệu lực. Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi từ các điều kiện trên bởi tính minh bạch, cũng như chất lượng các lô TPDN phát hành mới được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn”, Fin Group đánh giá.

Theo Fiin Group, quy mô TPDN riêng lẻ lưu hành giảm từ 14,13% của năm 2022 xuống còn 9,8 %/GDP vào cuối năm 2023, chủ yếu do phát hành mới chậm lại trong khi hoạt động mua lại diễn ra mạnh mẽ. Cơ cấu TPDN theo ngành hiện tại phần lớn vẫn thuộc về tổ chức tín dụng với 353,2 nghìn tỷ (39% giá trị trái phiếu lưu hành) và bất động sản với 294 nghìn tỷ (chiếm 33% giá trị trái phiếu lưu hành). Đơn vị này kỳ vọng thị trường TPDN năm 2024 sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng chặt chẽ hơn với việc áp dụng những yêu cầu cao hơn đối với tất cả các thành viên tham gia thị trường, qua đó giúp cho hoạt động phát hành trái phiếu mới dần phục hồi. Nhiều quy định trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực vào năm 2024 sẽ thiết lập kỷ luật chặt chẽ hơn đối với tất cả các bên liên quan và hỗ trợ cho việc khôi phục niềm tin của thị trường. Nhu cầu phát hành lớn của nhóm ngân hàng để bổ sung nguồn vốn và đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính sẽ dẫn dắt thị trường trái phiếu trong năm 2024.

Các chuyên gia Chứng khoán VNDIRECT cũng khẳng định, thị trường TPDN hồi phục dần sau những nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường với hoạt động phát hành TPDN dần hồi phục, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu cũng diễn ra sôi động sau khi Nghị định 08/NĐ-CP được ban hành. Năm 2023, tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn là hơn 216 nghìn tỷ đồng, tăng gần 100% so với cùng kỳ, trong đó gần 40% là nhóm bất động sản. Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh còn nhiều khó khăn, dòng tiền eo hẹp, nhiều tổ chức phát hành đã thực hiện phương án đàm phán để gia hạn kỳ hạn trái phiếu với trái chủ. Theo tổng hợp của VNDIRECT, tính đến ngày 29/12/2023, tổng giá trị TPDN riêng lẻ đã được gia hạn là khoảng hơn 116 nghìn tỷ đồng.

Thị trường TPDN năm 2024 sẽ dần lấy lại niềm tin của đầu tư

Các chuyên gia cũng nhận định, áp lực TPDN đáo hạn năm 2024 vẫn còn lớn. Tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn năm 2024 là khoảng 207 nghìn tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ, trong đó 59,3% là của các DN bất động sản. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều tổ chức phát hành gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn. Theo tổng hợp của VNDIRECT hiện có khoảng 71 tổ chức phát hành chậm thanh toán nợ trái phiếu đến hạn, tổng dư nợ TPDN của 71 tổ chức phát hành này là khoảng hơn 172,5 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 16,9% dư nợ trái phiếu toàn thị trường, và phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản. Bên cạnh đó, hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ có thể sẽ trầm lắng trở lại, khi các điều khoản trong Nghị định 08/NĐ-CP bao gồm: quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc chính thức có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2024.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, khối lượng trái phiếu đáo hạn năm 2024 cũng ở mức tương đối cao, khoảng 301 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, so với bối cảnh giai đoạn cuối năm 2022 và các tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính, tiền tệ hiện nay đều ổn định hơn rất nhiều. Đây là các điều kiện thuận lợi để các DN ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, có dòng tiền để thực hiện nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi với nhà đầu tư. Đối với từng ngành, lĩnh vực có đặc điểm hoạt động riêng, theo đó mức độ phục hồi, phát triển khác nhau.

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, kể từ quý 2/2023 tình hình thị trường TPDN có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại, một số tổ chức chủ động mua lại trái phiếu để cơ cấu lại nguồn vốn, hoạt động đàm phán cơ cấu lại trái phiếu tiếp tục được triển khai giúp tổ chức phát hành trước mắt có thêm thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ, tháo gỡ áp lực thanh khoản. Qua đánh giá, tình hình triển khai Nghị định 08/2023/NĐ-CP, chính sách này đang tương đối hiệu quả. Tính đến hết năm 2023, 57,3% khối lượng trái phiếu chậm trả nợ đã có phương án đàm phán, trong đó 6,8% đã thanh toán một phần gốc, lãi cho nhà đầu tư, 50,4% đã đàm phán để cơ cấu lại nợ trái phiếu.

Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô phục hồi, các DN có tiềm lực tài chính tốt, hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, có khả năng thanh toán nợ đến hạn phát hành mới, từ đó xây dựng lại niềm tin cho nhà đầu tư và củng cố tâm lý cho thị trường TPDN nói riêng và thị trường vốn nói chung. Mặt bằng lãi suất hiện nay cũng đang ở mức tương đối thấp, các DN có dự án tốt, phương án kinh doanh khả thi có thể tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo dòng tiền để thực hiện các nghĩa vụ nợ, trong đó có nghĩa vụ nợ TPDN. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về khung khổ pháp lý và tăng cường công tác thanh tra, giám sát, cùng với tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng thị trường TPDN năm 2024 sẽ dần lấy lại niềm tin của đầu tư, tiếp tục đóng vai trò là kênh huy động vốn trung dài hạn hiệu quả cho DN.

TIN LIÊN QUAN