Số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ người dùng các nền tảng số của Việt Nam chiếm hơn 20% tổng số người dùng các nền tảng số trên di động. Trong tổng số gần 6,8 tỷ giờ người dùng dành các nền tảng số, thời gian sử dụng các nền tảng số của Việt Nam chiếm 13,77%. Mỗi tháng người dùng smartphone dành gần 10 tiếng cho các nền tảng số Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tháng 8/2022, tổng số người dùng trên các nền tảng số Việt Nam đạt mức trên 494 triệu, tăng 23,56% so với cùng kỳ năm trước, tăng 12,64% so với tháng 1/2022 và tăng 18,45% so với tháng trước.
Trong tháng 8/2022 cũng ghi nhận tổng thời gian người dùng sử dụng các nền tảng số (của Việt Nam và nước ngoài) đạt hơn 6,78 tỷ giờ, tăng 2,67% so với tháng 1/2022 và tăng 2,25% so với tháng trước.
Trong đó, thời gian sử dụng nền tảng số của Việt Nam hơn 934 triệu giờ, chiếm 13,77% so với tổng thời gian sử dụng trên toàn bộ các nền tảng, tăng 1,2% so với tháng trước. Mỗi người dùng smartphone dành khoảng 9,93 giờ/tháng sử dụng các nền tảng số Việt Nam, tăng 4,67% so với tháng 1/2022 và tăng 11,44% so với tháng trước.
Tỷ lệ người dùng các nền tảng số của Việt Nam trong tháng 8 chiếm khoảng 20,33% tổng số người dùng các nền tảng số trên thiết bị di động. Trong đó, các nền tảng số Việt Nam chủ yếu tập trung ở nhóm nền tảng có từ 1- 5 triệu người dùng. Tính đến nay Việt Nam đã có 5 nền tảng góp mặt trong nhóm nền tảng có trên 10 triệu người dùng hàng tháng là Zalo (75 triệu), Zing Mp3 (23,6 triệu), ví Momo (19,6 triệu), Báo Mới (15,5 triệu), Vietcombank (12 triệu).
Theo Chỉ số xã hội số của GSMA tháng 8/2022 cho thấy, Việt Nam xếp thứ 7 trong các quốc gia thuộc khu vực châu Á- Thái Bình Dương về xã hội số (sau Australia, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Thái Lan và Malaysia). Trong đó, xếp thứ 5 điểm số về trụ cột thương mại số và xếp thứ 7 điểm số về phong cách sống số.