Hiện nay, CTCP Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị duy nhất nộp hồ sơ đầu tư thực hiện dự án PPP cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.
Trước đó, ngày 12/4/2023, nhà đầu tư đề xuất dự án đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT và trình thẩm định.
Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn đã hoàn thành công tác thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng1 và Hội đồng thẩm định cấp cơ sở đã tổ chức họp thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án vào ngày 15/9/2023.
Cụ thể, dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ được xây dựng theo hình thức BOT, được thực hiện trên địa bàn các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và TP. Lạng Sơn với tổng chiều dài khoảng 60km; tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam có chiều dài khoảng 17km.
Cao tốc có sơ bộ tổng vốn đầu tư: giai đoạn phân kỳ là 10.620 tỷ đồng, trong đó vốn do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 5.620 tỷ đồng (chiếm 52,92% tổng mức đầu tư), bao gồm vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 1.124 tỷ đồng; vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác của nhà đầu tư khoảng 4.496 tỷ đồng. Vốn nhà nước trong dự án khoảng 5.000 tỷ đồng (chiếm 47,08% tổng mức đầu tư). Phần vốn nhà nước bố trí cho bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khoảng 1.502 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng công trình tạm và xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng khoảng 3.498 tỷ đồng.
Giai đoạn phân kỳ có thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2025; hoàn thành trong năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2026. Thời gian thu phí hoàn vốn dự án (giai đoạn phân kỳ) dự kiến khoảng 27 năm 4 tháng.
Trong giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ đầu tư xây dựng tuyến theo quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m; tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam đầu tư xây dựng theo quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 14,5m.
Được biết, CTCP Tập đoàn Đèo Cả được biết đến với loạt dự án lớn như hầm Đèo Cả, Hải Vân, Cù Mông; các đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Cam Lâm - Vĩnh Hảo...