Ngay từ thời điểm ban đầu, việc triển khai tiêm chủng đã mang đến nhiều hy vọng, nhưng sự không đồng đều trong chương trình tiêm chủng đã khiến nó chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Trong số 480 triệu người (6,2% dân số toàn cầu) đã được tiêm hai mũi vaccine vào cuối tháng 6, hơn một nửa là công dân Trung Quốc và Mỹ - chưa có sự đồng đều.
Trong lúc các nhà hoạt động kêu gọi sự phân phối vaccine bình đẳng hơn đến những nước chưa phát triển, sự chênh lệch khả năng tiếp cận vaccine đã đẩy lui ngày đại dịch có thể kết thúc, tạo thêm điều kiện để những biến chủng mới được tạo thành.
Nếu thế giới tiếp tục với tốc độ hiện tại, ít nhất phải đến năm 2024, nhiều nước mới có đủ nguồn cung vaccine để tiêm chủng. Trong khi đó, một số biến chủng nguy hiểm đã xuất hiện, thách thức khả năng miễn dịch của con người.
Các nước trên thế giới cần nỗ lực khẩn cấp tài trợ cho COVAX phân phối vaccine đi khắp toàn cầu (Ảnh: Getty)
Trong khi Trung Quốc khẳng định tiếp tục chương trình phân phối vaccine với 250 triệu liều đã cung cấp cho những nước khác, Mỹ cũng cam kết chuyển giao 500 triệu liều chủ yếu thông qua cơ chế COVAX (là sáng kiến phân phối vaccine toàn cầu do Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), Liên minh Vaccine Gavi và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng khởi xướng, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) là đối tác triển khai chính).
Dù quá trình chuyển giao vaccine đang được xúc tiến mạnh mẽ, thế giới vẫn cần phải đầu tư nhiều hơn nữa. Trên thực tế, chưa đầy 1% trong hàng tỉ liều vaccine được đưa đến nhiều quốc gia nghèo và cận nghèo. Còn đối với nhiều nước, việc chuyển giao chậm trễ sẽ khiến đại dịch càng nguy hiểm và gây ra nhiều thiệt hại hơn. Các đợt bùng phát sẽ kéo dài giai đoạn suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, tính đến thời điểm tháng 7/2021, thiệt hại đã vượt quá 28.000 tỷ USD.
Một số chuyên gia cho rằng, đến cuối tháng 8/2021, nếu nhiều nước giàu được tiêm phòng đầy đủ, nhưng những quốc gia nghèo vẫn chưa được tiếp cận với vaccine, nền kinh tế thế giới vẫn có thể mất thêm 9.000 tỉ USD nữa.
Tiêm chủng toàn thế giới là một yêu cầu cấp bách. Nỗ lực tài trợ COVAX trong việc phân phối vaccine cho toàn cầu sẽ giúp tăng uy tín và giá trị của doanh nghiệp. Sự phục hồi của nền kinh tế phụ thuộc vào việc triển khai tiêm chủng. Đóng góp của các công ty tài trợ COVAX còn là khoản đầu tư mang đến lợi ích cả về xã hội lẫn kinh tế, là việc cấp bách mà những nước giàu có nên làm trong lúc này.