Thể chế hiện tại đang rất thuận lợi cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản phát triển

(CL&CS) - Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành và địa phương đang có rất nhiều chính sách nhằm tháo gỡ một cách đồng bộ những nút thắt của thị trường bất động sản. Với thể chế như hiện tại là đang rất thuận lợi cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Đó là nhận định của các chuyên gia về thuận lợi để phát triển bền vững thị trường bất động sản tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần thứ V do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) phối hợp tổ chức sáng ngày 19/2.

 

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế Trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: Reatimes)

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế Trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, thời gian qua, khung pháp lý, chính sách quan trọng đã được ban hành để trợ lực cho thị trường bất động sản như: chính sách tiền tệ đã và đang tiếp tục được điều hành theo hướng "linh hoạt, nới lỏng" với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Room tín ng hiện nay không thiếu và lãi suất cực kỳ hấp dẫn. Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp trong năm 2024 - 2025, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn.

Ngân hàng Nhà nước đã có những điều chỉnh và ban hành các thông tư nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và hỗ trợ người dân mua nhà ở. Cụ thể như: Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 22 (2019) cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng 34% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được điều chỉnh giảm xuống 30% từ ngày 1/10/2023 và hiện đang ở mức 28,3%, tạo thêm nguồn vốn cho thị trường. Gói tín dụng ưu đãi 145.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội tiếp tục được triển khai với lãi suất thấp hơn 1,5-2%/năm so với thị trường.

Thông tư 06/2024/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ đến hết năm 2024, giúp doanh nghiệp và người dân giảm bớt áp lực trả nợ. Thông tư 53/2024/TT-NHNN chỉ cho phép cơ cấu lại nợ đến hết năm 2025 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Một số TCTD cũng triển khai cho vay nhà ở đối với người trẻ. Thông tư 22/2023/TT-NHNN giảm trọng số rủi ro đối với cho vay khu công nghiệp và nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất gói ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội từ nguồn vốn trái phiếu, áp dụng trong 5 năm.

Ngoài ra còn có các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và một số luật và quyết sách vừa được Quốc hội thông qua. Quốc hội cũng rất nhanh chóng hiện thực hoá việc tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp được thể hiện rõ qua các nghị quyết: Nghị quyết 171/2024/QH15 về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (“đất ở và đất khác”). Nghị quyết về cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Khánh Hòa.

 

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest). (Ảnh: Reatimes)

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) cũng cho rằng, Đảng và Chính phủ cũng đang rất nỗ lực quyết tâm trong cải cách thể chế, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, trong đó cách thức thực hiện quy định pháp luật rõ ràng, minh bạch hơn.

 

TS. Nguyễn Văn Khôi, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. (Ảnh: Reatimes)

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Khôi, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, những nút thắt của thị trường bất động sản đang được tháo gỡ một cách đồng bộ. Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp, kết hợp trực tuyến với một số bộ, ngành, địa phương cho ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại (dự án thí điểm) thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

"Thể chế như hiện tại là rất thuận lợi cho doanh nghiệp và thị trường phát triển lành mạnh, bền vững", Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định.

TIN LIÊN QUAN