Bệnh nhân là ông Đ.T.H, quê ở huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, được chuyển đến bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ từ ngày 15/04 trong tình trạng lơ mơ, không tiếp xúc, yếu tay chân với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, nhồi máu não, giảm tiểu cầu nặng; khám lâm sàng thấy bệnh nhân hôn mê, sốt cao, xuất huyết dạng chấm, nốt 2 cẳng chân. Ngay sau đó, bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán xác định là “Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối”. Bệnh nhân vừa thiếu máu mức độ nặng, vừa biểu hiện tan máu qua chỉ số bilirubin tăng; đông máu cơ bản trong giới hạn bình thường, chỉ trừ giảm tiểu cầu mức độ nặng, tiến triển nhanh, có thể gây nguy hiểm tính mạng bất cứ lúc nào.
Bệnh nhân được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực bệnh viện với các phương pháp: thay huyết tương cấp cứu; thuốc ức chế miễn dịch; truyền khối hồng cầu; an thần, hỗ trợ hô hấp thở máy, dinh dưỡng nâng đỡ thể trạng, chăm sóc triệu chứng. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân hôn mê sâu, co giật liên tục.
Sau 13 ngày điều trị nội khoa và thay huyết tương nhiều đợt, bệnh nhân đã tỉnh táo, ngưng được máy thở, rút được nội khí quản, số lượng tế bào tiểu cầu cũng dần trở về giá trị bình thường. Tổng số lượng huyết tương tươi đông lạnh được huy động điều trị cho bệnh nhân là 207 đơn vị. Sáng 29/4, bệnh nhân tỉnh, thực hiện y lệnh chính xác và đang tiếp tục điều trị tại khoa Nội Tiêu hóa huyết học lâm sàng .
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thy - Trưởng khoa Huyết học truyền máu của bệnh viện, đây là bệnh lý hiếm gặp với tỷ lệ mắc khoảng 3,7 ca trong 1 triệu dân. Bệnh nhân cần phải chẩn đoán nhanh và chính xác, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, hơn 90% bệnh nhân sẽ tử vong. Việc thực hiện kỹ thuật thay huyết tương sẽ giúp giảm tỉ lệ tử vong xuống dưới 15%. Thành công của việc thay huyết tương mở ra triển vọng mới trong điều trị hội chứng này trong hoàn cảnh lâm sàng hiện nay.