Thành viên của Vinamilk là Mộc Châu Milk nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu tại HOSE

(CL&CS) - CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) vừa nộp hồ sơ xin niêm yết 110 triệu cổ phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Một số sản phẩm của Mộc Châu Milk.

HOSE cho biết ngày nhận hồ sơ đăng ký niêm yết là 27/9/2023 và CTCP Chứng khoán BIDV là tổ chức tư vấn.

Cổ phiếu MCM của Mộc Châu Milk đang giao dịch tại thị trường UPCoM với ngày giao dịch đầu tiên vào 18/12/2020. Đóng cửa ngày 4/10/2023, cổ phiếu MCM đạt 38.000 đồng/cổ phiếu, giảm 7,5% so với đầu năm và cổ phiếu đang giao dịch với P/E trượt 12 tháng là 11,2 lần; P/B là 1,8 lần. Ở mức giá hiện tại, vốn hóa của Mộc Châu Milk đạt 4.106 tỷ đồng.

Tiền thân của Mộc Châu Milk là nông trường Mộc Châu, được thành lập ngày 8/4/1958, là đơn vị đầu tiên khai mở ra ngành chăn nuôi và sản xuất sữa công nghiệp tại Việt Nam. Nơi đây là nông trường quân đội Mộc Châu được thành lập với nhiệm vụ: chăn nuôi bò sữa, cung cấp con giống bò sữa, sản xuất chế biến các sản phẩm từ sữa.

Cao nguyên Mộc Châu được thiên nhiên ưu đãi ban tặng đất đai màu mỡ, khí hậu quanh năm trong lành mát mẻ. Theo nhiều chuyên gia chăn nuôi đánh giá: cùng với Đà Lạt, Mộc Châu là vùng đất hiếm hoi tại Việt Nam có khí hậu ôn đới, là nơi phù hợp nhất để có thể phát triển đàn bò sữa quy mô lớn.

Với khí hậu lý tưởng như vậy, đàn bò giảm thiểu quá trình thải nhiệt do nhiệt độ tăng cao, giúp tăng khả năng sinh sản và cho sữa ở bò. Trong môi trường ôn đới ở Mộc Châu, bò chỉ sử dụng khoảng 50% lượng thức ăn cho các hoạt động của cơ thể, còn lại là để nuôi thai và sản xuất sữa, trong khi con số này ở bò nhiệt đới là 75%.

Hiện nay, công ty có kế hoạch đầu tư thêm dây chuyền sản xuất sản phẩm sữa tươi hiện đại tại nhà máy sữa Mộc Châu, mở rộng quy mô đàn bò tại trang trại hiện hữu của Mộc Châu Milk từ 1.600 con lên 6.000 con (bao gồm nâng cấp trang trại hiện hữu lên 2.000 con và đầu tư trang tại bò sữa 4.000 con kết hợp với du lịch sinh thái). Các trang trại được định hướng theo hướng tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý và chăn nuôi bò sữa.

Công ty sẽ tiếp tục phát huy những thành công của mô hình liên kết nông hộ, đồng thời hỗ trợ bà con ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sữa của đàn bọ.

Cao nguyên Mộc Châu ở độ cao 1.050m với khí hậu ôn đới, nhiệt độ 9 - 24 độ C, độ ẩm trên 60% rất phù hợp cho việc chăn nuôi bò sữa.

Công ty định hướng phát triển các hộ từ 527 lên 700 hộ, đàn bò tăng từ 24.300 con lên 35.000 con. Bên cạnh đó, Mộc Châu Milk sẽ phát triển một tổ hợp dự án trang trại bò sữa công nghệ cao, đạt chuẩn quốc tế, kết hợp du lịch sinh thái. Đồng thời, quy hoạch xây dựng một nhà máy chế biến sữa mới hiện đại trên cao nguyên Mộc Châu với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.600 tỷ đồng.

Năm 2019, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) thực hiện M&A với Mộc Châu Milk.

Hiện nay, Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP (Vilico) sở hữu 65.229.971 cổ phiếu MCM, tỷ lệ 59,3% vốn điều lệ của Mộc Châu Milk và Vinamilk sở hữu 9.737.790 cổ phiếu, tỷ lệ 8,85%.

Đồng thời, Vinamilk là công ty mẹ của Vilico với tỷ lệ sở hữu 68,94% nên tỷ lệ lợi ích của Vinamilk tại Mộc Châu Milk là 49,73%.

TIN LIÊN QUAN