Nằm trong vùng thủ đô Hà Nội và tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, thành phố Hải Dương hội tụ đầy đủ các yếu tố của một đô thị năng động và hiện đại, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, du lịch, dịch vụ. Từ đó, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội đối với tỉnh Hải Dương cũng như các tỉnh lân cận.
Với vai trò “đầu tàu” kinh tế vùng đất xứ Đông, thành phố Hải Dương vẫn còn nhiều việc phải làm và cần tập trung nhiều nguồn lực để khai thác hết tiềm năng của mình.
Nhân dịp tết Nguyên đán, Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Hồ Đăng – Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương để lắng nghe những định hướng phát triển của địa phương trong thời gian tới.
Để đô thị loại I không chỉ là danh xưng
Người Đưa Tin (NĐT): Phát triển đô thị đang là bài toán của nhiều địa phương trong cả nước. Thành phố Hải Dương đặt mục tiêu trở thành đô thị công thương, đô thị sống khỏe, đô thị sáng tạo, đô thị đẹp thân thiện với con người, đô thị an toàn, an tâm. Để hiện thực hoá kế hoạch đó, xin ông cho biết địa phương có những khó khăn như thế nào?
Ông Trần Hồ Đăng: Thực tế hiện nay, nguồn lực để đầu tư phát triển của thành phố còn hạn hẹp, phụ thuộc ngày càng nhiều vào đất đai.
Cơ cấu thu ngân sách nhà nước dịch chuyển theo hướng chưa thực sự bền vững với sự tăng dần về tỉ trọng của thu tiền sử dụng đất, thu cân đối từ thuế nội địa ảnh hưởng trực tiếp đến cân đối chi ngân sách địa phương có xu hướng giảm.
Về bản chất, các khoản thu này là tiền bán tài sản (chủ yếu là đất), đây là nguồn thu không bền vững. Sự lệ thuộc của ngân sách nhà nước vào nguồn thu từ đất có nguy cơ phải đối mặt với rủi ro khi nguồn lực đất đai có hạn, thị trường bất động sản trầm lắng, khi đó thu ngân sách nhà nước không kịp được bù đắp bởi những nguồn khác có tính chất thường xuyên, dẫn tới gia tăng thâm hụt ngân sách nhà nước.
Nguồn nhân lực của thành phố hiện nay tuy đông và có dân trí cao nhưng trình độ lao động còn hạn chế, tỉ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ còn thấp. Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố chưa giữ chân được một bộ phận nhân lực có tay nghề cao dịch chuyển sang các địa phương phát triển hơn.
Có thể nói đây là những khó khăn then chốt mà Tp.Hải Dương gặp phải trên con đường hiện thực hoá những yêu cầu được giao phó.
NĐT: Mặc dù, thành phố Hải Dương đã được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại I năm 2019 nhưng hiện vẫn tồn tại bất cập về hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa, xử lý nước thải. Thưa ông, thành phố Hải Dương đã có những phương án điều chỉnh quy hoạch chung để giải quyết vấn đề này như thế nào?
Ông Trần Hồ Đăng: Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, xứng đáng đô thị trung tâm của tỉnh Hải Dương, tới đây thành phố tiếp tục điều chỉnh về cấu trúc đô thị, về phân khu chức năng, về phân bố các trung tâm đô thị nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập trong quá trình phát triển của thành phố Hải Dương về hạ tầng kỹ thuật, về sử dụng đất đai, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội chất lượng cao, xử lý các vấn đề môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với thiết kế đô thị đồng bộ, hiện đại và quản lý đô thị theo quy hoạch. Chúng tôi rất quan tâm đến xây dựng tạo điểm nhấn kiến trúc, văn hóa đặc trưng xứ Đông với bản sắc riêng có về đất và người thành Đông, trên nguyên tắc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử và cảnh quan thiên thiên.
Đối với khu vực phố cũ trong khu vực nội đô, sẽ bảo tồn, tôn tạo để xây dựng hình ảnh đặc trưng tạo nên không gian lõi đô thị hấp dẫn về du lịch, gắn kết không gian quần thể di tích lịch sử thành Đông trong không gian bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa của tỉnh và của vùng.
Cùng với đó là phát triển không gian nông thôn và vùng ven đô, các làng nghề truyền thống nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử hiện có vùng đồng bằng sông Hồng. Bảo tồn và phát huy đa dạng sinh học, địa hình, không gian xanh tự nhiên, phát triển hệ thống công viên, cây xanh, mặt nước nhằm tạo lập hình ảnh đặc trưng của thành phố. Đồng thời xây dựng trung tâm du lịch dịch vụ theo tuyến du lịch kết nối với địa danh lớn.
NĐT: Phát triển kinh tế, xây dựng đô thị đi đôi với nâng cao đời sống của người dân đang là mục tiêu mà Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh. Thưa ông, ở phương diện này ở thành phố Hải Dương được tính toán và cân đối như thế nào? Thực tế cuộc sống của người dân sẽ được cải thiện ra sao?
Ông Trần Hồ Đăng: Quá trình đô thị hóa nhanh chóng là một điểm nhấn quan trọng trong quá trình phát triển thành phố Hải Dương trong thời gian qua. Dân số toàn thành phố đến năm 2030 dự kiến là khoảng hơn 500.000 người. Trong đó dân số nội thành khoảng 465.000 người.
Với ưu tiên mạnh mẽ của thành phố Hải Dương trong đảm bảo công bằng xã hội, mọi người dân đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển, không một nhóm người hoặc khu vực nào bị bỏ lại phía sau.
Chính quyền đã thực hiện các biện pháp hoà nhập người nhập cư vào cuộc sống đô thị. Chú trọng các chương trình nâng cấp và cải tạo đô thị được triển khai nhằm tăng cường sinh kế và điều kiện sống cho các khu thu nhập thấp.
Thành phố cũng giữ một vai trò lớn trong quá trình phát triển khu vực kinh tế tư nhân giàu mạnh, phát triển cụm doanh nghiệp để có thể hội nhập với chuỗi giá trị toàn cầu, và cung cấp dịch vụ kho vận giúp nâng cao năng suất lao động và đẩy mạnh tăng trưởng. Toàn bộ quá trình này sẽ có tác động nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, và tạo ra một tầng lớp người tiêu dùng mới – tức là tất cả những yếu tố cần có của một thành phố sôi động tại các nước thu nhập cao.
Mở cửa ngõ đón các nhà đầu tư
NĐT: Thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư luôn là nỗi trăn trở các địa phương trong bài toán phát triển. Trong thời gian tới, quan điểm và cách làm của thành phố Hải Dương sẽ như thế nào để có thể đón được các nguồn đầu tư, thu hút lao động, các chuyên gia đến phát triển địa phương?
Ông Trần Hồ Đăng: Về chính sách, thành phố Hải Dương luôn đồng hành đi cùng với nhà đầu tư. Trực tiếp các lãnh đạo thành phố nắm bắt, đồng hành nhà đầu tư, có việc vượt thẩm quyền giải quyết, trực tiếp tham mưu báo cáo lãnh đạo tỉnh cùng nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.
Để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, UBND thành phố sẽ tiếp tục triển khai một số dự án nhà ở chung cư với chất lượng ở, tiện ích, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, chuyên gia người nước ngoài bao gồm dự án khu nhà ở hỗn hợp cao tầng tại phường Thanh Bình, phường Bình Hàn. Các dự án này sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng được nhu cầu về nhà ở cho nhà đầu tư, chuyên gia người nước ngoài trên địa bàn thành phố.
NĐT: Nhìn về phía trước, ông hình dung như thế nào về diện mạo của thành phố Hải Dương vào năm 2030? Đâu sẽ là nét khác biệt nhất của thành phố Hải Dương so với các địa phương khác ?
Ông Trần Hồ Đăng: Phát triển thành phố Hải Dương với những vị thế và xu hướng phát triển mới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông để phát triển nhanh và bền vững.
Tầm nhìn đến năm 2030, thành phố Hải Dương hướng đến là một đô thị xanh, thông minh. Hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I, xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị hiện đại. Làm cơ sở pháp lý để triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng và các dự án đầu tư xây dựng.
Thành phố Hải Dương luôn nỗ lực và tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh chỉ đạo để khai thác được các tiềm năng, lợi thế và các cơ hội, thuận lợi phát triển kinh tế.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!