Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nội bộ để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ.
Hội đồng thẩm định nội bộ có trách nhiệm rà soát, thẩm định các nội dung của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ theo quy định pháp luật, báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT kết quả thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án đường sắt có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan và chỉ đạo Tư vấn cử đúng thành phần để phối hợp với Hội đồng thẩm định nội bộ trong quá trình thẩm định.
Thành lập Hội đồng thẩm định dự án tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ
Hội đồng thẩm định nội bộ để thẩm định áo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ gồm 16 thành viên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GT & VT và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng là ông Nguyễn Danh Huy - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ có điểm đầu tại ga An Bình thuộc phường An Bình, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương; điểm cuối tại ga Cần Thơ thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ.
Dự án đường sắt TP. HCM - Cần Thơ được nghiên cứu dài 175,2km, đi qua địa bàn 6 tỉnh, thành phố: Bình Dương, TP. HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Tuyến đường sắt này được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa; tốc độ vận hành tàu khách là 160km/h, tàu hàng là 120km/h.
Trên tuyến dự kiến bố trí 19 ga và 3 depot (An Bình, Tân Kiên, Cần Thơ), 4 trạm bảo dưỡng, khám xe (Thạnh Đức, Tam Hiệp, Cai Lậy, Bình Minh), 3 trạm bảo dưỡng hạ tầng.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ vào khoảng 205.085 tỷ đồng (quy đổi khoảng 8,57 tỷ USD).
Dự án đường sắt TP. HCM - Cần Thơ được đề xuất đầu tư bằng ngân sách nhà nước với mốc tiến độ: phê duyệt chủ trương đầu tư trong năm 2025, phấn đấu khởi công giai đoạn 1 trước năm 2030, đưa vào khai thác năm 2035, hoàn thiện và đưa vào khai thác giai đoạn 2 sau năm 2055.