Đinh lăng được sử dụng như rau sống ăn kèm với món gỏi cá, thân, rễ, củ, lá cây đinh lăng được sử dụng để làm thuốc với nhiều công dụng khác nhau nên còn được gọi là cây ''sâm của nhà nghèo". Gần đây, cây đinh lăng có giá bán rất cao, đặc biệt những củ đinh lăng lâu năm có giá lên đến hàng triệu đồng/kg nên nông dân nhiều địa phương trong cả nước ồ ạt trồng loại cây này.
Lá cây đinh lăng hay dùng để ăn như rau sống. Ảnh: Hoàng Huy |
Trồng cây đinh lăng không khó vì kỹ thuật canh tác không khác với trồng cây rau ăn củ, nếu trồng lấy lá, còn trồng lấy củ (rễ) để làm thuốc thì rất chú ý đến kỹ thuật canh tác, trong đó bà con lưu ý đến kỹ thuật bón phân, tưới nước và sử dụng thuốc trừ sâu bệnh. Giai đoạn đầu, bà con có thể áp dụng kỹ thuật như trồng củ cải, cà rốt để có thân cây to khỏe, cành lá xum xuê, sức sống tốt, càng về sau giảm bón đạm, chú ý bón lân, kali và các trung vi lượng, bổ sung thêm phân hữu cơ hàng năm.
Lá cây đinh lăng hay dùng để ăn như rau sống, do đó bà con nên thận trọng khi dùng thuốc, tốt nhất là dùng thuốc hữu cơ để an toàn cho người tiêu dùng. Hiện tại, rễ, củ cây đinh lăng được các công ty dược phẩm thu mua làm nguyên liệu, có những thời điểm không đủ hàng cung cấp nên sốt giá và bà con đang mở rộng diện tích, trong khi chưa biết nhu cầu dừng lại ở con số nào và chưa có hợp đồng cung cấp cho nhà máy dược liệu. Đây là điều rất nguy hiểm, do đó bà con cần cân nhắc trước khi phá bỏ cây trồng hiện có để chuyển qua trồng cây đinh lăng.
Nếu muốn tăng thu nhập, bà con có thể tận dụng đất vườn, bờ ao hoặc trồng xen canh cùng các loại cây trồng khác như một số địa phương đã thực hiện. Nếu chuyển đổi toàn bộ thì chuyển đổi những cây đã trồng nhưng có giá trị kinh tế thấp, có như vậy mới đảm bảo an toàn cho bà con chúng ta.
Lê Quốc Phong