Bộ lư đồng có giá trị khá cao nên ít người sử dụng. |
Làng đúc lư đồng An Hội
Làng đúc lư đồng An Hội ở Gò Vấp xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 và hưng thịnh trong suốt cả trăm năm. Với tốc độ phát triển xã hội hiện nay cùng những biến động thị trường, nghề đúc lư nổi tiếng một thời dần mai một… Từ một làng nghề đông đúc, nhộn nhịp với hàng trăm nghệ nhân và công nhân làm việc cả ngày lẫn đêm, đến nay An Hội chỉ còn năm hộ gia đình gắn bó với nghề lư đồng truyền thống, gồm các lò Hai Thắng, Năm Toàn, Sáu Bảnh, Ba Cồ và Út Kiển.
Bà Phạm Thị Liên, chủ lò lư Ba Cồ, là người phụ nữ duy nhất trong làng nối tiếp nghề của cha ông truyền lại. Mang tiếng là bà chủ một xưởng đúc đồng danh tiếng nhưng bà phải cáng đáng hầu như tất cả công việc tại xưởng: từ việc tiếp khách, ghi đơn hàng, cho đến hướng dẫn nhân công đắp cốt, bịt sáp, bít đất trấu, đổ đồng đến làm nguội, chạm khắc…
Các chi tiết ráp lên thân lư đồng được mài giũa cẩn thận. |
Bà Liên nói giá đồng nguyên liệu bây giờ rất thất thường và các lò ở đây chủ yếu là thủ công nên phần lớn là lấy công làm lời. Người phụ nữ 57 tuổi đã không bỏ nghề dù có lúc tán gia bại sản. Bà trầm ngâm: “Cố giữ nghề và phát triển truyền thống của ông bà chứ hiệu quả kinh tế không lớn, thậm chí không có”.
Lò của ông Hai Thắng có quy mô lớn nhất ở An Hội, nhờ vậy mà tình hình kinh tế có phần khá hơn các xưởng khác. Nhưng ông vẫn than: “Các sản phẩm về đồng, đặc biệt là lư đồng thì chỉ bán chạy vào dịp Tết. Ngày thường, hàng tồn rất nhiều nên nhiều xưởng không trụ nổi. Hàng không bán được thì lấy gì mà nhập nguyên liệu hay trả lương cho thợ. Lò lư của tôi hiện mỗi tháng chỉ xuất xưởng từ 100 – 120 bộ lư, với 6-7 công nhân làm việc”.
Ở tuổi 70 với 52 năm trong nghề, ông Hai Thắng là người có tay nghề lâu năm nhất ở làng lư đồng An Hội. Theo ông, tùy thuộc vào kích cỡ, độ tinh xảo của hoa văn, họa tiết trên sản phẩm mà mỗi bộ lư đồng có giá từ khoảng ba triệu đồng đến vài chục triệu đồng.
Những chiếc lư thô chuẩn bị được các nghệ nhân chạm khắc chi tiết. |
Là vật dụng dùng để thờ cúng tổ tiên, ông bà, nơi thờ tự linh thiêng, trước đây, lư đồng An Hội chủ yếu bán cho khách hàng khu vực Tây Nam Bộ, nhưng hiện nay, nhiều người ở miền bắc, miền trung cũng đã biết tiếng và ngày càng ưa chuộng. Khách hàng ở xa chỉ cần lên mạng, vào website của các lò là có thể chọn bộ lư đồng mình ưng ý rồi đặt hàng qua điện thoại.
Những người thợ đúc An Hội mong rằng mai này lò đúc tiếp tục đỏ lửa, tiếp nối truyền thống của làng nghề danh tiếng trên 100 tuổi.
Làng heo đất Lái Thiêu
Lúc thịnh, làng heo đất Lái Thiêu, Bình Dương luôn nhộn nhịp, tấp nập với hơn 300 trăm hộ làm nghề. Cuộc mưu sinh khó khăn khiến người dân phải chuyển sang nghề khác. Nay làng chỉ còn hơn 20 hộ còn bám nghề, chủ yếu tập trung tại Lái Thiêu ở thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Những chú heo đất vừa được đem ra lò. |
Mấy năm gần đây, làng heo đất khởi sắc một chút khi heo đất Lái Thiêu được xuất khẩu ra nước ngoài và được ưa chuộng ở Campuchia, Lào, Thái Lan và Nhật Bản. Người thợ ở đây phải tìm hiểu thị hiếu của khách hàng, mày mò, sáng tạo ra nhiều cách thức sản xuất để có được mẫu mã đa dạng và phong phú hơn.
Khâu sơn màu cho heo đất cần sự khéo tay và tỉ mỉ. |
Chị Nguyễn Thị Tâm, một thương lái cho biết, giá của mỗi heo đất bán lẻ tùy theo kích cỡ, kiểu dáng hiện khoảng 7.000 – 10.000 đồng/con, bán theo giá sỉ cho thương lái chỉ khoảng 4.000 đồng/con. “Trong các loại heo đất thì loại hút hàng nhất trên thị trường hiện nay là loại heo vàng có dát kim tuyến, giá thành đắt gấp đôi heo truyền thống”, chị Tâm nói.
So với lúc thịnh, nghề làm heo đất đã suy giảm nhiều nhưng hơn 20 hộ ở Lái Thiêu vẫn còn trụ lại bởi nặng lòng với nghề. Năm nay, heo đất còn là vật trang trí trong gia đình, nhà hàng, khách sạn... Vì thế, lượng hàng bán cũng cao hơn.
Nhưng với người thợ làm heo đất Lái Thiêu, tiếng heo đất bị đập vỡ khi đầy tiền tiết kiệm nghe sung sướng như nhồi đất, nâng niu tạo hình và chăm chú tô vẽ cả buổi…
Phan Định