Con tàu được lắp động cơ hiện đại nhất thế giới
Hồi tháng 3/2024, hãng tin Sputnik (Nga) cho hay, Việt Nam đã chế tạo thành công tàu cao tốc với sức chứa bằng 3 chiếc Boeing 787, đó là siêu tàu cao tốc Thăng Long - tàu cao tốc một thân lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Doanh nhân Đỗ Cao Bảo, một trong những thành viên sáng lập FPT, trên trang Facebook cá nhân của mình đã ví von độ lớn của tàu bằng 3/4 chiều dài sân bóng đá tiêu chuẩn quốc tế, gấp hơn 3 lần chiếc máy bay Boeing 787 và lớn bằng 5 chiếc máy bay Airbus A321.
Theo giới thiệu trên website của đơn vị đóng tàu - nhà máy Z189, tàu Thăng Long có sức chứa 1.017 khách với chiều dài 77,46m, rộng 11,1m. Trong khi đó, dòng máy bay Boeing 787 mà Vietnam Airlines đang khai thác có chiều dài 63,7m và 274 ghế ngồi. Nếu so sánh với máy bay Airbus A321 (dài 44,5m, có 184 chỗ ngồi) thì tàu Thăng Long có sức chứa lớn gấp 5 lần.
Siêu tàu cao tốc Thăng Long được hạ thủy vào ngày 6/5/2022 tại nhà máy đóng tàu Công ty TNHH MTV 189 (Z189), TP. Hải Phòng. Thiết kế tàu rất đặc biệt, trông giống như hình dao găm. Mũi tàu làm tăng chiều dài đường nước, tăng thêm sự ổn định, trong khi giảm tối đa lắc dọc - điều mà các tàu cao tốc khác loại đều chưa khắc phục được.
Tàu có ba tầng boong chính, khoang VIP ở tầng một, tầng 2 và 3 là khoang khách phổ thông. Tầng 4 là khu vực phục vụ cà phê. Tàu được lắp 3 động cơ hiện đại nhất thế giới do Rolls – Royce MTU của Đức, sản xuất với tổng công suất gần 12.000 mã lực, giúp đạt vận tốc lên đến 32 hải lý/h (hơn 57,6 km/h) khi chạy không tải.
Với chiều dài, kích cỡ lớn, tàu chỉ có thể cập cảng lớn, nước sâu. Nhà thiết kế đưa ra kịch bản với hai khoang tàu bị thủng liên tiếp nhưng con tàu vẫn an toàn, không chìm. Khi có tình huống này, lái tàu chỉ cần đóng những cửa kín nước, khởi động máy bơm hút các thiết bị chống chìm để xử lý tình huống và có thêm thời gian sơ tán hành khách.
Bên trong tàu, ghế ở khoang VIP được bọc da. Theo chủ đầu tư, tàu còn được trang bị hệ thống âm thanh nghe, nhìn đạt chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển cao tốc, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng hải Thế giới (IMO).
Buồng lái với ba chỗ ngồi, được lắp hệ thống điều khiển tiên tiến, chống va chạm trên biển cùng màn hình kết nối camera quan sát tất cả các khoang để giúp lái tàu có thể xử lý các tình huống phát sinh...
Kể từ tháng 3 năm nay, tàu Thăng Long đã bắt đầu được khai thác trên tuyến đường biển từ Vũng Tàu đến Côn Đảo.
Sự kiện siêu tàu cao tốc Thăng Long chính thức hoạt động đã thiết lập "kỷ nguyên mới" cho du lịch hành khách giữa Vũng Tàu và Côn Đảo. Mạng tin tức BNN (Hong Kong, Trung Quốc) khen ngợi siêu tàu Thăng Long của Việt Nam là một "tuyệt tác kỹ thuật", có thiết kế hiện đại, tự hào với các tính năng tiên tiến, hứa hẹn sẽ thay đổi trải nghiệm du lịch trên tuyến đường biển đang được nhiều du khách lựa chọn này.
Khẳng định vị thế 'không thể xem thường'
Ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều bước đột phá. Theo Báo cáo nghiên cứu công nghiệp đóng tàu Việt Nam 2023-2032 trên Research and Markets - nền tảng cơ sở dữ liệu nghiên cứu thị trường lớn nhất thế giới, ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Nhìn chung, thị phần của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ của nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng bền vững, cùng chuỗi công nghiệp sản xuất và công nghiệp phụ trợ phát triển.
Theo xếp hạng của trang Insider Monkey (Mỹ), Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 7 trong danh sách 15 cường quốc đóng tàu trên thế giới, với tỷ lệ phần trăm số tàu đã đóng vào năm 2021 là 0,61%.
Insider Monkey cho biết, Việt Nam hiện có hơn 100 bến cảng và gần 20 nhà máy đóng tàu. Tuy nhiên, số liệu thống kê trong nước cho thấy những con số này còn lớn hơn nhiều. Tính đến tháng 11/2023, tổng số bến cảng toàn quốc là 296.
Trong khi đó, trên cả nước hiện có 97 nhà máy đóng tàu với trọng tải từ 1.000DWT trở lên và có 68 nhà máy đóng mới, sửa chữa tàu thuyền. Tổng công suất thiết kế của nhà máy đóng mới lên tới 2,6 triệu DWT/năm, theo số liệu từ Cục Hàng hải Việt Nam.
Theo Báo cáo nghiên cứu công nghiệp đóng tàu Việt Nam 2023-2032 trên Research and Markets - nền tảng cơ sở dữ liệu nghiên cứu thị trường lớn nhất thế giới, ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Nhìn chung, thị phần của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ của nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng bền vững, cùng chuỗi công nghiệp sản xuất và công nghiệp phụ trợ phát triển.
Tại một triển lãm được tổ chức vào tháng 7/2023, CEO Fireworks Trade Media, ông Kenny Yong cho rằng, ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam đã nổi lên như một thế lực cạnh tranh không thể xem thường, thể hiện sự tăng trưởng, khả năng phục hồi và thích ứng đáng kể.
Trong khi đó, Báo cáo về ngành công nghiệp đóng tàu tại các thị trường châu Á mới nổi của công ty dịch vụ kỹ thuật hàng hải Inserve (trụ sở tại London, Anh) nhận định, Việt Nam có hướng phát triển riêng biệt so với các quốc gia mới nổi trong khu vực.