Tập trung thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn

(CL&CS) - Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam". Tại đây, Hội nghị đã đưa ra 5 nhóm giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết, ô nhiễm không khí tại Việt Nam là hệ quả của quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Trong vòng 10 năm qua, tình trạng ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 đã gia tăng đáng kể tại các thành phố lớn. Đơn cử như với Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, đều đang phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia đã đưa ra giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn

Tình trạng ô nhiễm không khí đến từ chính các nguồn phát thải như phương tiện giao thông, các hoạt động công nghiệp, bụi mịn PM2.5 từ các công trình xây dựng và từ việc đốt rác,... Thời tiết khô hanh, ít gió và sương mù vào mùa đông càng khiến ô nhiễm không khí gia tăng, khi các hạt bụi khó thoát ra ngoài. Các yếu tố này tạo ra một vòng luẩn quẩn, khiến chất lượng không khí ngày càng xấu đi, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và chất lượng cuộc sống​.

Với vai trò là cơ quan chủ đạo trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT đã triển khai nhiều hành động nhằm giảm thiểu ô nhiễm với Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra, Bộ TN&MT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí. Gần đây là Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Những quy định này, cùng Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn, đóng vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hướng tới phát triển bền vững.

Với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành, ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thông tin thêm, Bộ TN&MT, đã xây dựng dự thảo quy chuẩn Việt Nam khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành, đang được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, đồng thời xây dựng dự thảo Lộ trình áp dụng quy chuẩn Việt Nam khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

Bên cạnh đó, ông Nam cho rằng, cần xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông công cộng chất lượng cao và phủ sóng khắp các khu vực đô thị, giúp người dân có thể dễ dàng lựa chọn phương tiện công cộng thay vì sử dụng xe cá nhân. Trong đó có việc thiết lập các khu vực hạn chế phương tiện cá nhân trong giờ cao điểm, đặc biệt là ở các khu vực đông dân cư và trung tâm thành phố. Khuyến khích sử dụng xe đạp và phương tiện công cộng bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ bao phủ rộng, thuận tiện cho người dân.

Nắm bắt được tình trạng cấp bách của ô nhiễm không khí, Hội nghị đã đưa ra 5 nhóm giải pháp để giảm thiểu, kiểm soát ô nhiễm không khí. Trong đó, nhóm giải pháp về chính sách gồm có thuế, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; cho vay, hỗ trợ chuyển đổi xanh được nhiều đại biểu quan tâm.

Nhóm các giải pháp về kỹ thuật, thực hiện theo đúng lộ trình chuyển đổi công nghệ của các nhà máy (nhiệt điện) sử dụng nhiều nguyên liệu thô, phát thải nhiều sang công nghệ sử dụng ít nguyên liệu, phát thải thấp; tăng tỷ lệ cây xanh đô thị.. Đồng thời, cần nhanh chóng tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo về chất lượng không khí để giảm thiểu những tổn thất của nền kinh tế, ảnh hướng tới các hoạt động xã hội và thiệt hại về sức khoẻ con người.

Đối với nhóm giải pháp về quản lý, trong đó có phân vùng để điều tiết hoạt động giao thông vào giờ cao điểm; kiểm soát thật chặt các hoạt động vận tải, vận chuyển vật liệu xây dựng; nghiên cứu giải pháp giao thông đi chung xe tại các đô thị lớn. Hiện tại, TP Hà Nội đang có kế hoạch thí điểm mô hình vùng phát thải thấp và hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm tại khu vực nội đô từ đầu năm 2025, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030. 

Nhóm các giải pháp về nguồn lực, kinh tế và truyền thông cũng được nhấn mạnh. Công tác đầu tư biện pháp kỹ thuật về quan trắc môi trường, kiểm soát nguồn thải, bổ sung cây xanh, rửa đường cần được đẩy mạnh hơn nữa. Công tác truyền thông giúp nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp bảo vệ môi trường. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng thường xuyên tổ chức các chiến dịch và hội thảo nhằm khuyến khích cộng đồng tham gia giám sát và giảm thiểu khí thải. 

Ngoài ra, để giảm thiểu ô nhiễm không khí một cách hiệu quả, đại diện TP Hà Nội tham gia Hội nghị cũng đề xuất Bộ TN&MT xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong trao đổi dữ liệu về ô nhiễm không khí và xử lý ô nhiễm liên vùng, liên tỉnh. Đồng thời, sớm trình lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải quốc gia đối với phương tiện cơ giới, ban hành quy định nhận diện xe sử dụng năng lượng sạch và thân thiện với môi trường.

Với những hệ quả để lại từ ô nhiễm không khí, các giải pháp giảm ô nhiễm không khí có ý nghĩa vô cùng thiết yếu. Song song với quá trình đẩy mạnh phát triển đô thị, các biện pháp bảo vệ môi trường cũng cần được quan tâm thực hiện.

TIN LIÊN QUAN