Tập đoàn KIDO đã sở hữu 51% bánh bao Thọ Phát

(CL&CS) - CTCP Tập đoàn KIDO (KIDO) công bố đến 23/8 đã sở hữu 51% vốn tại công ty sở hữu thương hiệu bánh bao Thọ Phát. Đây là bước đầu của mục tiêu sở hữu tối đa 70% thương hiệu bánh bao Thọ Phát của KIDO.

Cửa hàng bánh bao Thọ Phát.

Tại báo cáo tài chính quý 2/2023, KIDO công bố sở hữu 25% Thọ Phát với giá trị đầu tư 100 tỷ đồng vào 30/6. Như vậy, Thọ Phát có vốn hóa tối thiểu đạt 400 tỷ đồng.

Bánh bao Thọ Phát có mặt trên thị trường từ năm 1987, đến nay Công ty Chế biến Thực phẩm Thọ Phát (Thọ Phát) là một thương hiệu hàng đầu về sản xuất bánh bao tại Việt Nam.

Xuất thân từ một tiệm bánh nhỏ, chuyên gia công bánh bao theo phương pháp thủ công, hiện nay Thọ Phát có một trụ sở và hai nhà máy với hơn 1.000 nhân viên. Trong đó, nhà máy ở Bình Chánh quy mô 3.500m2 và nhà máy ở Nhà Bè quy mô 22.000 m2 đạt công suất 10.000 tấn sản phẩm cung cấp ra thị trường mỗi năm.

Tính đến nay, Thọ Phát đã có hơn 4.000 điểm bán, phủ rộng hầu hết các kênh truyền thống - general trade (GT), kênh hiện đại - modern trade (MT) và cửa hàng tiện lợi -convenience store (CVS). Thọ Phát đang có các dòng sản phẩm: bánh bao, dimsum, hamburger, bánh giò, xôi, bánh dorayaki…

Về KIDO, trong 6 tháng đầu năm nay, công ty đạt 4.377 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 31% YoY (-1.965 tỷ đồng). Lợi nhuận gộp đạt 692 tỷ đồng, giảm 51,9% YoY (-746 tỷ đồng). Tỷ suất lợi nhuận gộp ở mức 15,8%, giảm mạnh so với mức 22,7% của 6 tháng năm 2022.

Trái ngược với doanh thu thuần suy giảm, doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến 2.354% YoY (+1.023 tỷ đồng), đạt 1.066 tỷ đồng do lãi từ việc thoái sạch 24% vốn (giá trị khoản đầu tư 2.082 tỷ đồng) tại Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (Calofic) của công ty con Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex). Bên cạnh đó, lợi nhuận khác đạt gần 4,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước còn lỗ 0,3 tỷ đồng.

Về chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong 6 tháng năm 2023 đều giảm so với cùng. Cụ thể, chi phí bán hàng giảm 12% YoY (-93 tỷ đồng) còn 685 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 13%YoY (-30 tỷ đồng) còn 199 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng 40,9% YoY (+49 tỷ đồng) lên 168 tỷ đồng.

Kết thúc 6 tháng đầu năm nay, KIDO đạt 727 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 70,9% YoY (+302 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 343 tỷ đồng, tăng 9,6% YoY (+30 tỷ đồng). Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 1.487 đồng.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của KIDO đạt 12.947 tỷ đồng, giảm 7,6% so với đầu năm (-1.058 tỷ đồng).

Hiện nay, cổ phiếu KDC của KIDO đang giao dịch ở mức 63.700 đồng/cổ phiếu giúp vốn hóa công ty đạt 16.282 tỷ đồng. Ở mức giá hiện tại, KDC còn giảm 10,3% so với đỉnh (một mức giảm rất thấp so với mặt bằng chung của thị trường) nhưng đã tăng 394,6% so với thời điểm thấp nhất 2020.

TIN LIÊN QUAN