Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, Bộ đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung xử lý vướng mắc trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Cụ thể là, đáp ứng quy định của Liên minh châu Âu về phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU); quy định của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ về đánh giá, công nhận tương đương Chương trình giám sát cá da trơn; lệnh đình chỉ nhập khẩu của Ảrập Xêút đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam. Quy định của Braxin về đăng ký sản phẩm cá nhập khẩu cũng như không cho phép sử dụng phụ gia muối phốt phát; những điều kiện khắt khe của Úc đối với sản phẩm tôm nhập khẩu; Quy định 248, 249 của Trung Quốc…
Tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm soát chất lượng nông sản và thúc đẩy chế biến nông sản. Đến nay, mới chỉ khoảng 10-15% sản lượng sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản duy trì kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm tại từng công đoạn và trong toàn chuỗi. Tỷ lệ lô hàng xuất khẩu bị trả về tuy giảm nhưng còn ở mức cao. Nguyên nhân do liên kết ngang giữa các hộ sản xuất cũng như liên kết dọc với cơ sở thu mua, sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh hiện nay còn rất lỏng lẻo, thiếu bền vững.
Ảnh minh hoạ
Nhận định về năng lực chế biến, ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng chưa đáp ứng tiêu thụ hết các phẩm cấp sản phẩm nông sản sản xuất ra khi vào vụ. Số cơ sở chế biến phát triển chênh lệch giữa các vùng miền và chưa gắn với nguồn nguyên liệu.
Về trình độ công nghệ chế biến, số cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản có quy mô vừa và nhỏ, hộ gia đình hiện nay vẫn chiếm tỷ trọng quá lớn, khoảng 95% tổng số cơ sở chế biến. Phần lớn cơ sở chế biến vẫn chủ yếu sử dụng thiết bị cũ, công nghệ kỹ thuật lạc hậu, tốn nhiều nguyên liệu, năng lượng, năng suất thấp.
Công tác bảo quản sau thu hoạch vẫn là khâu yếu, khiến tổn thất sau thu hoạch còn lớn, lên tới 10-20% (tùy lĩnh vực ngành hàng). Về logistics trong chế biến và tiêu thụ nông sản: chuỗi cung ứng lạnh còn thiếu và yếu chưa đáp ứng các ngành hàng và thị trường khác nhau.
Nhằm thúc đẩy chế biến gắn với phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra định hướng trong giai đoạn 2023-2025, sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao. Triển khai xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Tổ chức cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, ao nuôi bảo đảm truy xuất nguồn gốc; mã cơ sở đóng gói, nhãn mác hàng nông sản. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động giao thương, quảng bá, kết nối xuất khẩu tại các khu vực thị trường đang duy trì tốt đà tăng trưởng như Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN; tham dự các sự kiện quốc tế lớn tại các thị trường tiềm năng là Italia, Anh, Trung Đông…
Tính đến ngày 15/6/2023, cả nước có khoảng 13.000 cơ sở chế biến nông sản. Bao gồm: 614 cơ sở giết mổ tập trung, 5.229 cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản (đa ngành); 3.369 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm có nguồn gốc thực vật, gần 4.000 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn. Theo ông Ngô Hồng Phong, dù số lượng cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản của nước ta hiện nay khá lớn, song trình độ chế biến chỉ mới ở mức trung bình và nhỏ. Hơn nữa, việc chế biến còn phụ thuộc vào mùa vụ nên phần lớn nhà máy chưa hoạt động hết công suất, có thời điểm chưa tiêu thụ hết sản phẩm khi vào mùa vụ, nên vẫn còn xảy ra tình trạng được mùa mất giá. |