Tấm tranh thêu thổ cẩm khổng lồ của học sinh vùng cao Lào Cai đạt Kỷ lục Việt Nam

(CL&CS) - Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết, Viện Kỷ lục Việt Nam vừa quyết định trao tặng kỷ lục Việt Nam cho Tấm tranh thêu thổ cẩm “Trường học vùng cao” của Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở và trung học phổ thông Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Sau gần một năm tìm tòi, trăn trở ý tưởng về một tấm tranh thêu cỡ lớn, có nội dung ghi lại lịch sử hình thành nhà trường, phản ánh những địa danh, cảnh quan của huyện Bát Xát và lưu giữ, bảo tồn các kĩ thuật thêu truyền thống đã chính thức “khai sinh”

Thêu bức tranh thổ cẩm trong thời gian 2 năm.

Ngày 7/10/2021, mũi thêu đầu tiên của Tấm tranh thêu thổ cẩm “Trường học Vùng Cao” đã thầy và trò nhà trường thực hiện.

Chất liệu tấm tranh thêu gồm các loại chỉ thêu cotton, thêu tơ tằm, len được thêu trên nền vải thô và vải thổ cẩm.

Sử dụng kết hợp giữa các kỹ thuật thêu tay truyền thống của người Kinh với kỹ thuật thêu thổ cẩm của dân tộc Mông và dân tộc Dao. Thêu đâm xô, thêu lưới vặn, thêu sa hạt đột, thêu móc xích, thêu dấu nhân, dấu cộng, dấu trừ…..

Trong quá trình thực hiện, những người làm tranh đã gặp một số khó khăn: Kỹ thuật thêu phức tạp; kinh phí thấp, vì tấm thêu với kích thước lớn, nhà trường không có kinh phí mua khung thêu lớn nên chỉ thêu bằng khung thêu cầm tay nhỏ (kích thước từ 20cm đến 30cm) nên mất rất nhiều thời gian; khó khăn trong những ngày tháng mùa đại dịch Covid-19 làm gián đoạn quá trình thực hiện. Do thời gian thêu dài (2 năm) nên tinh thần một số học sinh ở một số thời điểm mệt mỏi, cảm giác nản chí, có nhiều em muốn bỏ cuộc xin ra khỏi câu lạc bộ….

Tấm tranh thổ cẩm khổng lồ "Trường học vùng cao" của PTDTNT THCS&THPT huyện Bát Xát (Lào Cai) được công nhận Kỷ lục Việt Nam.

Sau đúng hai năm, ngày 7/10/2023, Tấm tranh thêu thổ cẩm “Trường học vùng cao” đã được hoàn thiện và tiếp đó nhà trường đã chính thức gửi hồ sơ đăng kí Kỷ lục Việt Nam về Viện Kỷ lục Việt Nam VIETKINGS.

Qua quá trình thẩm định hồ sơ độc lập, khách quan, xét hồ sơ và dữ liệu kỷ lục, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã quyết định trao tặng bằng Kỷ lục Việt Nam cho Tấm tranh thêu thổ cẩm “Trường học vùng cao” của Trường Phổ thông Dân tôc nội trú (PTDTNT) THCS&THPT Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Theo Bộ tiêu chí xác lập kỷ lục, Tấm tranh thêu đã đạt một số thông số kỷ lục về hình thức, cụ thể: Kỷ lục về kích thước 18m2 (3m x 6m), Kỷ lục về đối tượng và địa điểm thực hiện: gồm 105 người, trong đó 2 giáo viên hướng dẫn là cô giáo Lý Thị Cúc và cô giáo Nguyễn Thị Quyên và 103 nữ sinh, Kỷ lục về thời gian thực hiện thêu: 2 năm từ 07/10/2021 đến 07/10/2023 với 23.800 buổi thêu; mỗi buổi từ thêu dài 180 phút , Kỷ lục về số kim sử dụng 900 cái.

Tấm tranh thêu này là sản phẩm được tạo lập bằng quá trình lao động, sáng tạo, thực hành, thực chứng có kết quả, mang giá trị tốt đẹp phục vụ cộng đồng, xã hội, độc đáo, hàm lượng thông tin và nội dung cao.

Hình ảnh rất ấn tượng trong tấm tranh là cột cờ Lũng Pô cao 31,43m với lá cờ đỏ sao vàng tung bay đầy kiêu hãnh trên bầu trời xanh, khẳng định chủ quyền đất nước ở cột mốc 92 – nơi con Sông Hồng chảy vào đất Việt”.

Tiếp đó là hình ảnh những thửa ruộng bậc thang trùng trùng điệp điệp với những bông lúa chín vàng, cụ thể là quần thể ruộng bậc thang ở thung lũng Thề Pả trên 223 ha đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cộng nhận là di sản Quốc gia danh lam thắng cảnh vào năm 2015.

Đặc biệt là hình ảnh chim hạc bay về núi tượng trưng cho những thế hệ trẻ của đồng bào dân tộc vùng cao huyện Bát Xát bay lên thực hiện ước mơ, khát vọng. Chim hạc đang bay về phía ngọn núi Lảo Thẩn chính là mang ý nghĩ trở về cội nguồn, nguyện góp sức mình xây dựng quê hương Bát Xát – Lào Cai, xây dựng đất nước Việt Nam ngày một giàu mạnh, phát triển và cường thịnh.

Tấm tranh thêu thổ cẩm “Trường học vùng cao” được ví như một tấm áp phích lớn sống động, chân thực tôn vinh vẻ đẹp của quê hương Bát Xát, có ý nghĩa rất lớn cho sự phát triển văn hóa – du lịch, giới thiệu và quảng bá cho ngành du lịch Lào Cai đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Tấm thêu thổ cẩm đã thể hiện được sự khéo léo, tỉ mỉ; đức tính chăm chỉ, kiên nhẫn; cần cù, chịu thương, chịu khó của cô và trò của Trường PTDTNT THCS và THPT huyện Bát Xát. Qua đó khẳng định được vai trò quan trọng của giáo viên nữ và các học sinh nữ; góp phần thay đổi nhận thức về bình đẳng giới; khẳng định vị trí của nữ giới đối với sự phát triển của đất nước, đặc biệt là đối với phụ nữ vùng cao nơi còn nhiều hủ tục lạc hậu và còn tư tưởng” trọng nam, khinh nữ.

Tấm tranh thêu thổ cẩm “Trường học vùng cao” góp phần ca ngợi các nhà giáo vùng cao gây dựng sự nghiệp từ trong khó khăn, gian khổ, từng bước vượt qua những gian nan thử thách; cùng với sự giúp đỡ, che chở, bảo bọc của nhân dân.

Nội dung tấm tranh thêu mô tả và phản ánh chiều dài lịch sử 50 năm hình thành và phát triển của Trường PTDTNT THCS&THPT huyện Bát Xát. Nhìn vào hình ảnh ngôi trường nội trú qua các mốc thời gian rất nhiều những kỷ niệm, những ký ức được tái hiện; mỗi ngôi trường đều gắn với những sự kiện, những câu chuyện buồn vui, gian nan của thầy và trò; sự đoàn kết, nhất trí một lòng, vượt qua mọi gian khổ trong công cuộc giáo dục học sinh dân tộc thiểu số vùng cao; sự giúp đỡ, bao bọc, che chở, yêu thương và đồng hành chia sẻ của nhân dân, chính quyền địa phương nơi nhà trường cư trú, tất cả vì mục tiêu thực hiện tốt sứ mệnh đặc thù của Trường PTDTNT THCS&THPT huyện Bát Xát là “Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho huyện vùng cao Bát Xát”.

Tấm tranh thổ cẩm là một minh chứng đặc biệt cho sự kế thừa, bảo tồn và phát huy các kỹ thuật thêu đặc sắc, tinh xảo của nghệ thuật thêu tay người Kinh và thổ cẩm của người Dao và H\'mông trong bối cảnh các nghề truyền thống ngày càng mai một.

TIN LIÊN QUAN