Trong các nhiệm vụ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang triển khai, việc xây dựng và ban hành dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 52 là bước đi hoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý về xếp hạng các TCTD nhằm phản ánh đầy đủ thực trạng và mức độ rủi ro trong hoạt động, từ đó, tăng cường hiệu quả của công tác giám sát ngân hàng, giúp kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý đối với từng TCTD nhằm bảo đảm an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD.
NHNN xác định, cần tổng hợp đầy đủ thông tin phản ánh dưới góc độ các TCTD về thực trạng hoạt động, mức độ rủi ro của TCTD, cách thức xếp hạng… để thiết kế các quy định mới nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong Thông tư 52 hiện hành, bảo đảm khung pháp lý mới sát hơn với thực tiễn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, đã nêu một số vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư 52, đồng thời đề xuất một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư mới.
Trước tiên, về phương pháp xếp hạng, thời gian qua, kết quả đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (như Moody’s, Fitch Ratings, Standard & Poor’s) đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam rất sát với thực tế. Vì vậy, đề nghị NHNN xây dựng quy định xếp hạng các NHTM Việt Nam như đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế theo hướng xem xét chia các xếp hạng lớn A, B, C, D, E thành các mức nhỏ hơn như A1, A2, B1, B2… để bảo đảm việc phân loại được chính xác và đầy đủ nhất. Việc chia các mức xếp hạng chỉ gồm A, B, C, D, E như hiện nay là quá rộng; dải điểm trong một hạng cũng khá lớn, khiến nỗ lực của các ngân hàng trong việc cải thiện điểm số chưa được ghi nhận đúng khi có ngân hàng đạt điểm 4,49 cũng được xếp hạng tương tự ngân hàng đạt điểm 3,5.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, các quy định cần sát hơn với bối cảnh mới
Về phân nhóm các NHTM để xếp hạng, theo quy định tại Thông tư 52, các NHTM được phân thành 2 nhóm: Nhóm NHTM có quy mô tổng tài sản trên 100.000 tỷ VNĐ và nhóm NHTM có quy mô tổng tài sản từ 100.000 tỷ VNĐ trở xuống. Tuy nhiên, trong hệ thống TCTD hiện nay, quy mô tổng tài sản của các NHTM không đồng đều và có sự chênh lệch rất lớn về cấp độ. Những NHTM có quy mô tổng tài sản chênh lệch từ 200.000-300.000 tỷ VND thì cách thức hoạt động, quản trị điều hành và hiệu quả kinh doanh là rất khác nhau, đặc biệt là đối với các NHTM có quy mô tổng tài sản từ 1 triệu tỷ VND trở lên (là những NHTM có tầm quan trọng lớn, đóng vai trò trụ cột trong hệ thống ngân hàng và nền kinh tế).
Do đó, các quy định về tiêu chí, điểm số và trọng số tại Thông tư 52 là chưa phù hợp để đánh giá, xếp hạng đối với các NHTM lớn. Để tăng cường hiệu quả trong đánh giá, xếp hạng TCTD và làm cơ sở để xây dựng bộ tiêu chí/chỉ tiêu đánh giá tương ứng phù hợp, đề nghị Ban Soạn thảo xem xét phân nhóm các NHTM theo các cấp độ chi tiết hơn, trong đó, các NHTM có quy mô tổng tài sản từ 1 triệu tỷ VND trở lên cần có phương thức đánh giá phù hợp.
Ngoài ra, Hiệp hội Ngân hàng cũng đề nghị xem xét lại tiêu chí về vốn được đánh giá chủ yếu dựa trên chỉ tiêu tỉ lệ an toàn vốn (CAR).
Về tiêu chí Chất lượng tài sản (Điều 8) được đánh giá dựa trên chỉ tiêu tỉ lệ nợ xấu và nợ cơ cấu tiềm ẩn chuyển thành nợ xấu, Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, trong năm 2020, nợ cơ cấu tiềm ẩn chuyển thành nợ xấu của một số TCTD tăng do một số nguyên nhân khách quan, làm giảm điểm xếp hạng đối với tiêu chí Chất lượng tài sản của TCTD. Do đó, để bảo đảm đánh giá đầy đủ và khách quan hơn, đề nghị trong Thông tư mới cần xem xét loại trừ một số các yếu tố khách quan làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của NHTM khi tính điểm chỉ tiêu này.
Về chỉ tiêu đánh giá Kết quả hoạt động kinh doanh (Điều 10), Hiệp hội Ngân hàng phân tích: Năm 2020, các TCTD đã chủ động giảm thu nhập để chung tay chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp cả nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Năm 2021, các TCTD tiếp tục cắt giảm thu nhập để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ và NHNN. Việc này ảnh hưởng lớn đến thu nhập lãi cận biên (NIM) và lợi nhuận trước thuế của các TCTD, dẫn đến giảm điểm các chỉ tiêu trong nhóm tiêu chí Kết quả hoạt động kinh doanh.
Do đó, đề nghị NHNN xem xét cho phép các TCTD ghi nhận lại khoản thu nhập đã giảm để đánh giá chính xác kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ, tạo động lực cho các ngân hàng tiếp tục ủng hộ, thực hiện theo các chủ trương chia sẻ, hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ và NHNN.
Ngoài ra, Hiệp hội Ngân hàng cũng kiến nghị điều chỉnh một số tiêu chí liên quan đến đánh giá khả năng thanh khoản; về mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường; về ngưỡng tính điểm từng chỉ tiêu định lượng; về cách tính điểm xếp hạng… sát với thực tế và thuận tiện hơn cho việc tuân thủ của các ngân hàng.