Hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã được trang bị đầy đủ các thiết bị công nghệ thông tin hiện đại, kết nối mạng truyền số liệu chuyên dụng và internet tốc độ cao. Việc ứng dụng các phần mềm dùng chung, phần mềm chuyên ngành và cơ sở dữ liệu liên thông giữa các cấp được chú trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị.
Duy trì và phát huy hệ thống họp trực tuyến, cập nhật thông tin trên cổng thông tin điện tử; phối hợp với nhà mạng VNPT để khảo sát và khắc phục các vùng sóng yếu. Hiện nay, toàn Thành phố đã có 225 trạm BTS, đảm bảo phủ sóng di động rộng khắp; khuyến khích người dân chuyển đổi từ SIM 2G sang SIM 4G và hướng dẫn cài đặt các ứng dụng ví điện tử, VneID, tài khoản thanh toán ngân hàng, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số ngày càng cao.
Xây dựng chính quyền số, Thành phố đưa vào vận hành một số cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng, như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đang được xây dựng và đã có những cấu phần đi vào vận hành. Các cơ quan nhà nước cũng đã cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, giúp doanh nghiệp và người dân dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính trong đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, bảo hiểm xã hội... Ngành Giáo dục và Đào tạo xây dựng hệ thống quản lý dạy học (LMS), kho học liệu điện tử và tạo tài khoản cho 100% giáo viên trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến của Bộ GD&ĐT. Các đơn vị giáo dục trên địa bàn đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông thông tin vào công tác quản lý và giảng dạy. Đội ngũ giáo viên được tập huấn thường xuyên, nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin trong công việc. Các phần mềm VNEDU,SMART, MISA được triển khai đồng bộ, hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý hồ sơ, điểm số, nhân sự, cơ sở vật chất, kết nối giữa gia đình và nhà trường. Việc tuyển sinh, chia lớp được thực hiện trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh mang lại nhiều tiện ích cho phụ huynh.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC Thành phố hoạt động tại https://dichvucong.sonla.gov.vn/ cho phép tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến, đồng thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả qua bộ phận một cửa. Trong quý II/2024, Thành phố đã thực hiện số hóa 7.588 hồ sơ, đạt 99,6%. Bộ phận một cửa Thành phố đã giải quyết 100% hồ sơ tiếp nhận, trong đó, 96,1% hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các xã, phường cũng đã giải quyết trước và đúng hạn trên 99,8% số hồ sơ tiếp nhận. Ngoài ra, hệ thống một cửa các cấp đã tiếp nhận và xử lý 3 phản ánh của công dân; công khai 9 báo cáo giải trình về việc xin lỗi người dân, tổ chức khi trễ hẹn giải quyết hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử.
Ngoài ra, Thành phố đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong các thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp. Hiện nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã sử dụng hóa đơn điện tử và 98% doanh nghiệp đã triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử qua ứng dụng eTax Mobile. Mô hình chợ thông minh không dùng tiền mặt cũng được triển khai thành công 4/7 chợ, với 752 tiểu thương chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.
Thành phố cũng đã tích cực triển khai cấp căn cước công dân gắn chip và kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VneID cho người dân. Gần 97% người từ 14 tuổi trở lên đã được cấp căn cước công dân và trên 83% trong số đó đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Zalo OA công dân số thành phố cũng đã gửi hàng chục nghìn tin nhắn đến người dùng, thu hút sự quan tâm và chia sẻ; thực hiện chi trả qua tài khoản cho trên 83% đối tượng người có công và bảo trợ xã hội, với tổng số tiền trên 8,5 tỷ đồng; 100% trường học trên địa bàn đã triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội về chủ trương của Chính phủ và lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến tắt sóng 2G trên cả nước vào tháng 9/2024. Thông báo tới Tổ chuyển đổi số cộng đồng tổ, bản, khu dân cư phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đổi SIM, máy điện thoại 2G lên SIM 4G và máy Smartphone. UBND thành phố cũng chỉ đạo các xã, phường tích cực triển khai. Đề nghị các doanh nghiệp viễn thông thực hiện nâng cấp thiết bị, hạ tầng cơ sở đảm bảo vùng cung cấp dịch vụ thông tin di động mới sau khi dừng công nghệ 2G, thay thế hoàn toàn được vùng cung cấp dịch vụ công nghệ 2G cũ để cung cấp các dịch vụ thông tin di động liên tục, không gián đoạn; đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ khi dừng công nghệ 2G.
Thành phố phối hợp với các đơn vị viễn thông trên địa bàn thành phố Sơn La, Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại các tổ, bản tích cực thúc đẩy lộ trình tắt sóng 2G. Thành phố cũng chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các nhà mạng thực hiện đo các vùng sóng lõm do UBND các xã, phường tổng hợp. Thời điểm đo sóng lõm di động cho đến nay các nhà mạng đã thực hiện bổ sung các trạm phát sóng (BTS). Hiện tại, toàn thành phố có 225 trạm phát sóng mạng thông tin di động (BTS), trong đó: VNPT có 70 trạm; Viettel có 100 trạm; MobiFone có 55 trạm. Tăng cường tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng trên sóng phát thanh cấp thành phố, hệ thống thông tin cơ sở cấp xã, hệ thống loa truyền thanh tại các tổ, bản, khu dân cư để người dân nắm được lộ trình tắt sóng 2G nhanh, kịp thời, đẩy nhanh việc phổ cập smartphone, góp phần chuyển đổi số tổng thể và toàn diện từ chính quyền số, xã hội số, kinh tế số...