Phối cảnh nút giao Đại lộ Thăng Long của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (Ảnh: Đại đoàn kết)
Mới đây, Công ty CP Lizen (HOSE: LCG) đã công bố trúng Gói thầu số 01 về Thi công xây dựng công trình Dự án thành phần 2.2: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận tỉnh Hưng Yên thuộc Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.
Theo tìm hiểu, gói thầu trên do Sở Giao thông vận tải Hưng Yên làm chủ đầu tư, được đấu thầu rộng rãi qua mạng và đóng thầu ngày 12/10/2023. Trong đó, Lizen là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ và vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật với tổng điểm đạt 87,5/100 điểm.
Giá trúng thầu được công bố là 1.253,694 tỷ đồng (giá dự toán 1.253,794 tỷ đồng); thời gian thực hiện hợp đồng là 1.035 ngày, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.
Về đơn vị trúng thầu, Công ty CP Lizen là một trong những nhà thầu thi công đường giao thông hàng đầu tại Việt Nam, tiền thân là Công ty Xây dựng số 16 thuộc Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Bộ Xây dựng), được thành lập vào năm 2001. Năm 2006, sau khi chuyển đổi mô hình kinh doanh, doanh nghiệp này được đổi tên thành Công ty CP Licogi 16. Hai năm sau đó, Licogi 16 tiến hành niêm yết cổ phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) với mã LCG. Đến tháng 4/2022, doanh nghiệp chính thức thay đổi nhận diện thương hiệu thành Công ty CP Lizen.
Trong suốt hơn hai thập kỷ phát triển, Lizen đã không ngừng mở rộng quy mô và trải qua nhiều lần tăng vốn. Hiện tại, vốn điều lệ của doanh nghiệp là 1.916 tỷ đồng. Doanh nghiệp hoạt động trong ba lĩnh vực chính, bao gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng dân dụng - công nghiệp và năng lượng tái tạo, bất động sản.
Lizen kinh doanh ra sao, năng lực tài chính thế nào?
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, doanh thu thuần của Lizen tăng đột biến, đạt 477,5 tỷ đồng, gấp 2,63 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, giá vốn hàng bán cũng tăng ở mức tương đương, đạt 418,7 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp theo đó đạt 58,8 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, do doanh thu từ hoạt động tài chính giảm sâu, cộng thêm chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao, khoản lợi nhuận nói trên đã bị “bào mòn”. Kết quả, Lizen báo lãi sau thuế quý III đạt 24,1 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, doanh thu thuần của Lizen đạt 1.197,2 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 55,1 tỷ đồng, giảm 66% cùng kỳ. Doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận sụt sâu khiến biên lợi nhuận ròng của Lizen chỉ đạt 4,6%.
Được biết, trong năm 2023, Lizen đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.850 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này mới hoàn thành được 42% chỉ tiêu doanh thu và 36,7% chỉ tiêu lợi nhuận.
Kết quả kinh doanh của Lizen thời gian gần đây
Điều này đồng nghĩa với việc, khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Lizen là không cao. Đáng nói, mục tiêu đạt 150 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế vốn được xem là khá thận trọng khi đây đã là mức thấp nhất nếu so với kết quả thực hiện kể từ năm 2019 đến nay. Với tình hình này, biên lợi nhuận ròng của doanh nghiệp được dự báo sẽ sụt giảm mạnh.
Theo quan sát, dấu hiệu kinh doanh sa sút của Lizen thực chất đã xuất hiện từ lâu. Sau khi ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất lịch sử hoạt động vào năm 2020, kết quả kinh doanh của Lizen bắt đầu đi lùi. Năm 2022, mặc dù lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bắt đầu tăng trở lại, nhưng động lực chính của sự tăng trưởng này lại không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Năm 2022, Lizen lỗ gộp 13 tỷ đồng và thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính tăng đột biến. Như đã nói ở trên, 9 tháng đầu năm nay, khi không còn có sự hỗ trợ của doanh thu từ hoạt động tài chính, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp bắt đầu chìm sâu.
Trong bối cảnh hiệu quả kinh doanh giảm sút, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của Lizen vẫn tiếp tục mô hình thâm hụt vốn.
Trong đó, dòng tiền kinh doanh chính âm 75,9 tỷ đồng. Dù vậy, con số này đã được cải thiện đáng kể so với mức âm 659,4 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm trước. Cần biết, năm 2022, Lizen ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm kỷ lục 924,07 tỷ đồng.
Trong khi đó, dòng tiền đầu tư dương 102,8 tỷ đồng, còn dòng tiền tài chính ghi nhận âm 49,6 tỷ đồng.
Cơ cấu tài sản và nguồn vốn của Lizen thời gian gần đây
Tính tới 30/9/2023, tổng tài sản của Lizen đạt 5.190,1 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,8% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm 23,6%, ghi nhận ở mức 1.222,6 tỷ đồng. Trước đó, trong giai đoạn 2019 – 2021, tỷ trọng hàng tồn kho luôn được Lizen duy trì trong khoảng 9%-17%.
Về tình hình tài chính, tại thời điểm ngày 30/9/2023, nợ vay của Lizen ghi nhận ở mức 678,1 tỷ đồng, tăng 59,2% so với đầu năm và chiếm 13,2% tổng nguồn vốn (trong khi đầu năm chỉ chiếm 8,6% tổng nguồn vốn). Trong đó, nợ vay ngắn hạn đạt 518,9 tỷ đồng và nợ vay dài hạn đạt 168,2 tỷ đồng.
Tính đến hết quý III/2023, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của Lizen là 0,27 lần. Mặc dù có xu hướng gia tăng so với năm 2022 nhưng nhìn chung, doanh nghiệp vẫn giữ được khoảng cách khá an toàn giữa vốn tự có và vốn vay.
Trong 5 năm gần đây, giai đoạn 2019 – 2020, khi Lizen sử dụng đòn bẩy tài chính tương đối mạnh tay, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu cũng chỉ ở mức 0,61 lần và 0,73 lần. Sau đó, hệ số này đều được duy trì ở mức thấp (năm 2021 là 0,41 lần; năm 2022 là 0,17 lần).
Lizen góp mặt trong những dự án nào?
Bên cạnh gói thầu 1.253 tỷ tại dự án Vành đai 4, từ đầu năm đến nay, Lizen liên tục góp mặt trong các dự án “khủng”.
Cụ thể, doanh nghiệp này đứng đầu liên danh trúng thầu 2 dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam, bao gồm gói thầu XL02 dự án Vũng Áng – Bùng có quy mô 5.098 tỷ đồng và gói thầu XL01 dự án Vân Phong - Nha Trang có quy mô 4.700 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Lizen cũng đứng đầu liên danh trúng gói thầu số 21: Thi công xây dựng đoạn từ Km6+200 - Km16+000 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1. Giá trị hợp đồng được ký kết hơn 1.411 tỷ đồng (giá gói thầu là 1.640 tỷ đồng). Thời gian thực hiện hợp đồng 915 ngày, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.
Đáng chú ý, mới đây, Lizen đã gửi công văn đề xuất với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc điều chỉnh quy hoạch phân khu số 3 thuộc đô thị trung tâm, Khu kinh tế Nghi Sơn để phát triển dự án nhà ở xã hội phục vụ cho các đối tượng có thu nhập thấp, công nhân của Khu kinh tế Nghi Sơn và các địa phương khác trong tỉnh Thanh Hóa.