Soi loạt bất động sản của 'Vua Cà phê' Đặng Lê Nguyên Vũ: Có dự án được mệnh danh là 'Dubai của Việt Nam'

Ngoài sở trường về việc kinh doanh cà phê, "Vua Cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ cũng có sở hữu thêm một số dự án bất động sản.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên, được biết đến nhiều với thương hiệu cà phê phố núi và dàn siêu xe đắt tiền. Tuy nhiên, ông còn tập trung đầu tư vào mảng bất động sản.

Trong đó, loạt dự án điển hình được biết đến như Thành phố cà phê; Khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend - Lộc An; Trang trại và phát triển chăn nuôi gia súc kết hợp Du lịch sinh thái (xã Krông Á, huyện M'Drắk); Khu du lịch thác Dray Sáp Thượng và thác Dray Nur (Krông Ana); Nhà khách Trung Nguyên (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột)…

Mặc dù vậy, một số dự án của ông Vũ hiện đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ dù đã được giao đất.

Khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend - Lộc An

Với diện tích hơn 1,5ha, dự án Khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend - Lộc An, huyện Bảo Lâm được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 10/2017. Dự kiến đến hết quý III/2019, Trung Nguyên phải hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng.

Mục tiêu của dự án là xây dựng không gian thưởng lãm và trưng bày để kinh doanh sản phẩm cà phê Trung Nguyên, bên cạnh đó là kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Dự án khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend - Lộc An

Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng kết luận dự án này là 1 trong 14 dự án của tỉnh Lâm Đồng chậm tiến độ thực hiện so với quyết định chủ trương đầu tư, do đó đề nghị thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án.

Từ năm 2022, tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định chấm dứt hoạt động của dự án vì chậm đưa đất vào sử dụng vi phạm quy định của Luật Đất đai 2013, chậm tiến độ đầu tư dự án vi phạm Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2020.

Tháng 5/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì xem xét nội dung đề nghị thu hồi, quản lý đất tại dự án này.

Trước đó, Công ty Trung Nguyên từng có văn bản đề nghị về việc được tiếp tục sử dụng phần đất 4.337m2 tại dự án Trung Nguyên Legend - Lộc An. Phía công ty cho biết, 4.337m2 do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng hợp pháp từ Công ty TNHH Trà Tiến Đạt II theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp vào tháng 4/2002.

Dự án Thành phố Cà phê

Dự án Thành phố Cà phê là sản phẩm đầu tay của Trung Nguyên trong lĩnh vực địa ốc. Trước đây, dự án này từng có tên gọi là Khu đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Ảnh minh họa

Dự án được giới thiệu có diện tích 45,45ha, bao gồm các sản phẩm căn hộ, biệt thự, nhà ở xã hội, công trình giáo dục... Theo giới thiệu, dự án gồm nhiều hạng mục như khu đọc sách, khu thương mại ẩm thực, khu thể dục thể thao... Căn hộ tại đây được chia thành các sản phẩm khác nhau với giá khác nhau, dao động trên 9 tỷ đồng/căn diện tích sàn 350m2 và trên 13 tỷ đồng/căn diện tích sàn 416m2.

Dự án này được hình thành ý tưởng từ năm 2006, được chấp thuận đầu tư năm 2016 và khởi công tháng 1/2017.

Chủ đầu tư triển khai dự án thành 2 giai đoạn gồm các hạng mục như bảo tàng, nhà liên kế, nhà phố thương mại, trung tâm thương mại, khách sạn nghỉ dưỡng, công viên sinh thái văn hóa cà phê...

Về hiện trạng, một số hạng mục của dự án đã được hoàn thành, đi vào sử dụng như bảo tàng Thế giới Cà phê. Tới tháng 4, cập nhật tiến độ cho thấy một số phân khu nhà phố, nhà liên kế đã được hoàn thiện mặt ngoài, số khác đang trong quá trình hoàn thiện hoặc xây dựng phần thô.

Với giai đoạn 1, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng công trình. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ là hơn 116 tỷ đồng với 80 hộ dân bị ảnh hưởng, thu hồi đất và hoàn thành bàn giao toàn bộ diện tích hơn 19 ha để chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án.

Đối với giai đoạn 2, ngày 15/6/2018, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Buôn Ma Thuột có văn bản đề nghị Công ty Trung Nguyên cung cấp hồ sơ liên quan để thực hiện dự án. Tuy nhiên, Trung Nguyên chỉ bàn giao mốc sơ bộ nhưng chưa phối hợp, bàn giao các hồ sơ liên quan.

Khu du lịch sinh thái được mệnh danh "Dubai phiên bản Việt"

Một dự án khác mà Tập đoàn Trung Nguyên được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2004 là dự án Trang trại và Phát triển chăn nuôi gia súc kết hợp du lịch sinh thái (xã Krông Á, huyện M'Drắk).

Ảnh minh họa

Dự án này còn được đánh giá là "Dubai phiên bản Việt". Dự án được giới thiệu có quy mô 595ha, vốn đăng ký 68 tỷ đồng và đã được chính quyền địa phương cho thuê 377ha đất nông nghiệp để xây dựng các hạng mục đầu tư ban đầu.

Ngày 15/1/2018, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị Công ty cổ phần Cà phê Trung Nguyên tiến hành thủ tục điều chỉnh mục tiêu, quy mô dự án theo đúng quy định; có văn bản cam kết thời gian hoàn thành, đưa vào sử dụng khu du lịch sinh thái trước tháng 11/2019, chấp hành tốt các nghĩa vụ thuế khi triển khai các dự án trên địa bàn.

Tuy nhiên sau nhiều năm dự án chậm tiến độ, đến năm 2021, UBND tỉnh ban hành quyết định bổ sung dự án này vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của huyện M'Drắk.

Khu danh lam thắng cảnh Đồi Cư H'Lâm

Còn Khu danh lam thắng cảnh Đồi Cư H'Lâm do Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê (thuộc Tập đoàn Trung Nguyên) làm chủ đầu tư. Diện tích dự án được giới thiệu là 62ha, dự kiến được khởi công năm 2016.

Tuy nhiên, năm 2017, tỉnh Đắk Lắk đã có thông tin giãn tiến độ thực hiện đến tháng 10/2019. UBND huyện Cư M'gar được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, sớm bàn giao đất cho nhà đầu tư triển khai dự án.

Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ngày 10/2/1971 tại Nha Trang, Khánh Hòa trong một gia đình nông dân nghèo, sau đó ông cùng gia đình chuyển đến sinh sống ở huyện miền núi M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk.

Ông Vũ đỗ khoa Y, trường Đại học Tây Nguyên nhưng lại bỏ ngang, khởi nghiệp với lò rang xay cà phê cùng ba người bạn thân.

Từ một xưởng cà phê nhỏ ở Buôn Ma Thuột, Tập đoàn Trung Nguyên Legend ngày nay đã trở thành một doanh nghiệp lớn, xuất khẩu sản phẩm cà phê hòa tan tới 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chuỗi quán mang thương hiệu "Thế giới cà phê Trung Nguyên" cũng hiện diện tại các thị trường lớn như Thượng Hải (Trung Quốc), Mỹ và mới đây nhất là Hàn Quốc.