Siết quảng cáo trực tuyến

(CL&CS) - Giờ đây, trên các nền tảng số, mạng xã hội đều tràn ngập các quảng cáo về các loại hàng hóa, dịch vụ. Khác với sản phẩm quảng cáo trên các kênh truyền thông chính thức (báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh...), sản phẩm quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội phong phú hơn rất nhiều về nội dung, hình thức.

Sản phẩm đó có thể là video clip, hình ảnh, âm thanh, các comment... Đặc biệt, quảng cáo trực tuyến - hình thức livestream ngày càng nở rộ.

Ảnh minh họa.

Điều đáng nói, nội dung của các quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội chưa được quản lý chặt chẽ.

Không ít nội dung quảng cáo về các sản phẩm, dịch vụ bị cấm (cờ bạc, mại dâm, vũ khí, chất ma túy...), sản phẩm không có giấy phép về an toàn, chất lượng. Với hình thức livestream, các quảng cáo hầu như đều không được kiểm soát về nội dung, người truyền tải nội dụng thỏa sức nói về sản phẩm dù không có căn cứ gì về chất lượng và tác dụng của sản phẩm, thậm chí tự bịa đặt các loại chứng nhận, giấy phép cho sản phẩm. Mới đây tại TP Hồ Chí Minh, DoubleVerify- nền tảng chuyên cung cấp các dịch vụ đo lường và phân tích các phương tiện truyền thông kỹ thuật số - đã đưa ra nhận định các gian lận quảng cáo đang diễn ra trên rất nhiều nền tảng, đặc biệt là các quảng cáo liên quan đến hiển thị, khi những bên cung cấp quảng cáo liên tục đưa ra các thủ thuật, thậm chí, chèn quảng cáo vào cả những trang web “đen”, comment trên các mạng xã hội... Điều đáng nói, quảng cáo trên báo chí- có đóng góp lớn cho ngân sách đang bị suy giảm do các quảng cáo trên nền tảng xã hội giành giật thị phần, mà không ít các quảng cáo trên các nền tảng này không phải đóng thuế, cũng như không bị kiểm soát do chưa có chế tài quản lý hữu hiệu.

Nhìn thẳng thực tế, các cơ quan quản lý cần có nhiều giải pháp hữu hiệu hơn để đưa hoạt động quảng cáo trực tuyến, quảng cáo trên nền tảng số, mạng xã hội vào các khung khổ pháp lý đủ chặt chẽ. Điều này vừa đảm bảo sự công bằng trong quảng cáo trên các phương tiện báo chí và quảng cáo trên nền tảng xã hội. Đặc biệt, quản lý chặt chẽ để hạn chế tối đa các vi phạm liên quan đến nội dung cấm, an ninh, an toàn con người và xã hội. Bên cạnh đó, tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền lợi của các doanh nghiệp, tổ chức làm ăn chân chính.

Đáng mừng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo dự án Luật Quảng cáo sửa đổi, dự thảo cần được bổ sung những quy định chặt chẽ, hữu hiệu về quản lý các loại quảng cáo này.

TIN LIÊN QUAN