Sẽ có công cụ đo mức độ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam

(CL&CS)- Với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Trung tâm Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia (NIC) (Bộ KH&ĐT) đang nghiên cứu phát triển bộ tiêu chí DN ĐMST Việt Nam. Đây được xem là công cụ để “đo”mức độ ĐMST của từng DN và làm căn cứ xây dựng các chương trình hỗ trợ, tôn vinh các DN ĐMST, tạo động lực phát triển…

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Báo cáo nghiên cứu phát triển bộ tiêu chí DN ĐMST Việt Nam” do NIC và GIZ tổ chức cuối tuần qua.Ông

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC phát biểu tại Hội thảo

Báo cáo nhằm cung cấp thông tin nghiên cứu tổng quát về các bộ tiêu chí đánh giá DN ĐMST trên thế giới, từ đó phân tích và đề xuất bộ tiêu chí cho DN ĐMST Việt Nam. Việc sử dụng bộ tiêu chí có thể giúp xác định được mức độ ĐMST của từng DN và làm căn cứ xây dựng các chương trình hỗ trợ DN, tôn vinh các DN ĐMST để tạo động lực phát triển, tìm kiếm các DN ĐMST có tiềm năng cũng như đề xuất các ưu đãi về chính sách cho nhóm này.

Nền kinh tế thế giới đã và đang có xu hướng phát triển dựa trên ĐMST. Không đứng ngoài xu thế, DN Việt Nam cần không ngừng thay đổi để có thể tồn tại và phát triển trong một môi trường biến động nhanh, linh hoạt và có tính cạnh tranh cao.

Với sự xuất hiện của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ĐMST sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho quốc gia nói chung và DN nói riêng. Sự tăng trưởng và phát triển dựa trên ĐMST là một mô hình mang tính chất bắt buộc. Thực tiễn cho thấy, năm 2020 - 2021, các DN là đối tượng chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, đây cũng là thời điểm ĐMST thể hiện vai trò của mình giúp các DN tiên phong vượt qua và vươn lên mạnh mẽ.

Nội dung nghiên cứu đã tìm thấy mối tương quan giữa sự phát triển của hệ sinh thái ĐMST với sự phát triển của DN ĐMST. Việc phát triển và xây dựng các tiêu chí đánh giá DN ĐMST được căn cứ trên các mô hình áp dụng thành công trên thế giới và điều chỉnh cho phù hợp với mức độ phát triển của DN Việt Nam. Các phân tích về chuỗi giá trị cụm ngành của Việt Nam cũng hỗ trợ những đánh giá để xây dựng các gợi ý cho mục khảo sát xây dựng tiêu chí đánh giá DN.

Nghiên cứu không chỉ tập trung vào giá trị nội lực của DN qua các đánh giá và miền đo liên quan đến chiến lược, vận hành, khách hàng, nguồn nhân lực, lãnh đạo và văn hóa DN, hiệu quả về hoạt động kinh doanh và quản trị điều hành DN, mà còn chú trọng thêm các yếu tố tác động đến miền đo về cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh trong quá trình phát triển tiêu chí đánh giá và đo lường DN ĐMST.

Một số phát hiện trình bày trong Báo cáo nghiên cứu chủ yếu tập trung vào những khoảng cách về sự trưởng thành hệ sinh thái ĐMST của các nước phát triển với Việt Nam bao gồm chất lượng và quy mô DN, năng lực, kỹ năng, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh và nguồn nhân lực có chất lượng hỗ trợ; sự cần thiết phải xây dựng tiêu chí đánh giá riêng cho DN ĐMST Việt Nam khi các DN còn ở giai đoạn sớm hoặc quy mô chưa tương xứng với quy mô toàn cầu; chú trọng đến tiêu chí có thể dẫn dắt DN ĐMST của Việt Nam DN đi đến thành công.

 “Bằng việc đưa ra định nghĩa chung về ĐMST, chi tiết hoá các tiêu chí đo lường DN ĐMST tại Việt Nam dựa trên việc đối chiếu các kinh nghiệm quốc tế, đề xuất các giải pháp chính sách để phát triển hệ sinh thái ĐMST nói chung và DN ĐMST nói riêng, Báo cáo được kỳ vọng sẽ là công cụ hỗ trợ phục vụ cho DN Việt Nam trong việc tự đo lường, đánh giá, xác định các phương thức tiếp cận để thúc đẩy ĐMST, và từ đó cải thiện năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, dịch vụ”- ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC chia sẻ.

Theo lộ trình phát triển dài hạn, bản tiêu chí sẽ được tiếp tục khảo sát và hoàn thiện để cho ra mắt bộ chỉ số ĐMST DN Việt Nam hàng năm, và tôn vinh các DN ĐMST nổi bật trên cả nước, truyền cảm hứng cho một thế hệ DN nội toả sáng trên thị trường thế giới.

Tại hội thảo, các chuyên gia, các DN, các đơn vị hỗ trợ ĐMST sẽ cùng thảo luận, đóng góp ý kiến và chia sẻ cam kết đồng hành với sáng kiến này…

Nội dung của “Báo cáo nghiên cứu phát triển bộ tiêu chí DN ĐMST Việt Nam”

i) Sự phát triển của doanh nhân ĐMST và kinh tế. Với các nghiên cứu tổng thể về doanh nhân khởi nghiệp ĐMST tại các nước phát triển, những phân loại về doanh nhân khởi nghiệp ĐMST, hệ thống ĐMST quốc gia và các chính sách về ĐMST;

ii) Những định nghĩa và phương pháp đo lường về doanh nhân và ĐMST trên thế giới như OECD, GII, GERA, WEF, GEDI, mô hình của Kauffman Foundation, GSER…;

iii) Đo lường DN ĐMST tại Việt Nam bao gồm các thông tin phân tích về tình hình kinh tế chung của Việt Nam giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đối với các lĩnh vực về ĐMST, những thông tin đánh giá chung về hệ sinh thái ĐMST Việt Nam và phương pháp đo lường DN ĐMST Việt Nam hiện nay;

iv) Phát triển, xây dựng tiêu chí đánh giá và đo lường DN ĐMST Việt Nam trong đó có nghiên cứu các phương pháp và tiêu chí quốc tế hiện đang được áp dụng để đánh giá về DN ĐMST trên thế giới, nghiên cứu những tiêu chí đánh giá DN ĐMST tại Việt Nam hiện nay, tìm ra phương pháp nghiên cứu và phát triển tiêu chí, những kết quả nghiên cứu và kiểm chứng dựa trên phân loại các nhóm DN được kiểm chứng với các đối tượng chuyên gia và chủ DN tham gia kiểm chứng các tiêu chí đề xuất trong nghiên cứu;

v) Những vấn đề phát hiện chính và khuyến nghị cho nhà quản lý và chính sách.

TIN LIÊN QUAN