Đó là chia sẻ của ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2020 tổ chức vào ngày 23/4/2021 tại TP.HCM. Đây là năm thứ hai Sacombank tiến hành Đại hội theo hình thức trực tuyến, tạo điều kiện cho cổ đông trên toàn quốc hoàn toàn chủ động trong việc tham gia, theo dõi đại hội, gửi ý kiến và bỏ phiếu biểu quyết.
Hiện Sacombank đang xin cơ chế để mua lại khoản 32,5% vốn cổ phần mà VAMC (đây là cổ phần Sacombank do nhóm nhà đầu tư liên quan ông Trầm Bê ủy quyền cho VAMC) đang quản lý, trả lại trái phiếu đặc biệt rồi đưa về để bán đấu giá. Giá đấu khoảng 33.000 - 34.000 đồng/cổ phiếu mới đủ để thu đủ vốn, lãi, lãi phạt, cao hơn so với giá trên thị trường rất nhiều.
Ông Dương Công Minh nhấn mạnh: Số cổ phiếu chiếm 32,5% vốn Sacombank do VAMC đang nắm giữ chắc chắn phải giải quyết trong năm 2022. Sacombank đang tái cơ cấu, mọi chuyện chỉ được giải quyết khi tái cơ cấu thành công. Sau khi tái cơ cấu thành công thì mới xử lý vấn đề khác như chia cổ tức, cổ đông chiến lược.
Năm 2020, Sacombank tiếp tục tăng trưởng vượt trội trên hầu hết các lĩnh vực hoạt động, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kế hoạch trọng yếu năm tài chính 2020. Theo đó, tổng tài sản 492.516 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm; tổng huy động 447.369 tỷ đồng, tăng 8%; tổng dư nợ tín dụng 304.572 tỷ đồng, tăng 15%; tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 1,64% giảm so với mức 1,9% của cuối năm 2019.
Lợi nhuận trước thuế đạt 3.339 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.682 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 1.248 đồng, tăng 10,5% so với năm 2019. Hiệu suất Lợi nhuận trên tổng tài sản (Return On Asset - ROA) bình quân và Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (Return On Equity - ROE) bình quân lần lượt đạt 0,57% và 9,63%. So với với năm trước, ROA không đổi, ROE tăng 0,07%. Lợi nhuận hợp nhất giữ lại sau thuế và trích các quỹ trong năm 2020 là 1.874 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế đến cuối năm 2020 đạt 6.496 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank cho biết, các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động được nâng cao. Tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất là 9,53%, cao hơn mức quy định tối thiểu 8%. Tỷ lệ cấp tín dụng trên tổng tiền gửi là 75,68%, thấp hơn mức tối đa quy định là 85%. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 27,18%, thấp hơn mức tối đa quy định là 40%. Tỷ lệ dự trữ thanh khoản là 15,67%, cao hơn mức tổi thiểu quy định là 10%.
Sacombank đã tích cực thu hồi, xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng với doanh số hơn 15.200 tỷ đồng, đồng thời trích hơn 5.600 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí xử lý tài sản tồn đọng thuộc Đề án, nâng mức trích lập lũy kế kể từ khi triển khai Đề án đến nay lên hơn 12.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Sacombank đã cơ cấu nợ, miễn/giảm lãi/phí hơn 8.300 tỷ đồng theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và triển khai 44.500 tỷ đồng các gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng.
Định hướng năm 2021, Sacombank tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, quyết liệt triển khai các giải pháp để xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng; đẩy mạnh phát triển công nghệ số trên tất cả các hoạt động trọng yếu của ngân hàng; tiếp tục hoàn thiện các dự án quản trị rủi ro đáp ứng theo tiêu chuẩn Basel II; nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng cho khách hàng; nâng cao năng suất lao động và tập trung mọi nguồn lực nhằm tạo bước đột phá trong kinh doanh.
Sacombank đặt mục tiêu năm 2021 lợi nhuận trước thuế đạt 4.000 tỷ đồng, tổng tài sản 533.300 tỷ đồng, tổng huy động 485.500 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng 372.000 tỷ đồng, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2% và bổ sung 302 tỷ đồng vốn cho Ngân hàng con tại Lào.
Kết thúc quý 1/2021, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 1.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 497.000 tỷ đồng, tổng huy động gần 453.000 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng hơn 357.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,46% và thu dịch vụ thuần tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC - cổ đông đang sở hữu 32,5% vốn tại Sacombank - cho biết, trong tổng số khoản nợ Sacombank còn tồn đọng mà VAMC quản lý, mới chỉ xử lý được một nửa. Số còn lại có xấp xỉ 10.000 tỷ đồng là cổ phiếu của ông Trầm Bê cần xử lý thì hiện VAMC đang trình Chính phủ, NHNN và dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm sau sẽ có trả lời chính thức về hướng xử lý.
“Sau khi xử lý, ông chủ thực sự của số cổ phần trên sẽ xuất hiện, sẽ chăm lo cho Sacombank tương tự như ông Dương Công Minh đang chăm lo cho Sacombank hiện nay. Số cổ phiếu của ông Trầm Bê được xử lý sẽ tốt cho Sacombank hơn so với hiện tại. Người ta sẽ đưa tiền tươi thóc thật vào để tái cơ cấu và chăm chút cho Sacombank", ông Nguyễn Tiến Đông nói.