Sắp ra mắt con đường du lịch địa chất vùng công viên địa chất Lạng Sơn: Tuyến du lịch kỳ thú qua núi đá vôi và di sản văn hóa

Điểm đến là nơi không thể bỏ lỡ cho dân mê phượt và khám phá.

Sáng ngày 5/10, Ban Quản lý Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn đã tổ chức đoàn khảo sát, nghiên cứu xây dựng con đường du lịch địa chất tại huyện Chi Lăng. Mục tiêu của chuyến khảo sát là phát triển một tuyến du lịch mới kết nối các điểm di tích và cảnh quan tự nhiên đặc sắc trong vùng.

Ban Quản lý Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn đã tổ chức đoàn khảo sát, nghiên cứu xây dựng con đường du lịch địa chất tại huyện Chi Lăng (Ảnh: Báo Lạng Sơn)

Theo Báo Lạng Sơn, đoàn khảo sát đã tiến hành nghiên cứu các điểm kết nối từ đền Cấm (thị trấn Đồng Mỏ) đến miếu Cô Chín và đền Chầu Mười (xã Hòa Bình). Tại đây, họ phân tích các điều kiện thuận lợi cũng như những thách thức trong việc phát triển tuyến tham quan gắn với di sản địa chất, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử, và đa dạng sinh học. Các điểm dừng chân, như vườn na trên nền núi đá vôi, cũng được cân nhắc cho việc thiết kế các khu vực check-in hấp dẫn du khách.

Một góc Chi Lăng, Lạng Sơn từ trên cao (Ảnh: Internet)

Sau chuyến khảo sát, Ban Quản lý CVĐC sẽ tập trung nghiên cứu, thiết kế và lắp đặt các bảng thông tin, biển chỉ dẫn, sơ đồ tuyến du lịch bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh. Đồng thời, họ sẽ xây dựng các khu vực chiếu nghỉ để du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn Đồng Mỏ từ trên cao. Ban Quản lý cũng sẽ phối hợp với các di tích tín ngưỡng và chủ vườn na để hỗ trợ du khách và phát triển tuyến đường du lịch địa chất này.

Các điểm dừng chân, như vườn na trên nền núi đá vôi, cũng được cân nhắc cho việc thiết kế các khu vực check-in hấp dẫn du khách (Ảnh: Báo Lạng Sơn)

Chuyến khảo sát không chỉ giúp xác định tiềm năng cụ thể của khu vực mà còn tạo cơ sở để xây dựng một tuyến du lịch địa chất đặc trưng cho vùng CVĐC Lạng Sơn. Điều này không chỉ góp phần phát triển du lịch bền vững mà còn nâng cao nhận thức về bảo vệ, phát huy giá trị di sản địa chất, văn hóa và đa dạng sinh học của địa phương.