Trong những năm gần đây, các công trình xây dựng bằng gỗ đã tiến lên những tầm cao mới, với những tòa nhà chọc trời bằng gỗ mọc lên ở nhiều quốc gia như Na Uy, Thụy Sĩ và Úc. Những công trình này thể hiện sự phát triển không ngừng của công nghệ và kiến trúc gỗ. Tuy nhiên, gần đây, một công ty phát triển đô thị của Thụy Điển tên là Atrium Ljungberg đã thông báo về một dự án đầy tham vọng và vượt qua mọi kỷ lục trước đó. Công ty này tiết lộ kế hoạch xây dựng một thành phố với toàn bộ các tòa nhà được làm từ gỗ, lớn nhất thế giới và tích hợp nhiều tiện ích hiện đại mà hiếm nơi nào có thể sánh kịp. Thành phố này hứa hẹn sẽ mang đến một môi trường sống bền vững, thân thiện với thiên nhiên, đồng thời tạo nên một bước tiến lớn trong việc sử dụng gỗ làm vật liệu xây dựng chính cho các công trình lớn.
Thành phố làm bằng gỗ lớn nhất thế giới
Cụ thể, thông tin được tờ CNN đăng tải vào ngày 28/6/ 2023 cho biết, thành phố gỗ này có tên Stockholm Wood City, sẽ được xây dựng tại Sickla, một khu vực phía Nam thủ đô Thuỵ Điển.
Dự án này sẽ được khởi công trên một khu đất rộng 250.000m², bắt đầu vào năm 2025. Khi hoàn thiện, sau 10 năm, thành phố sẽ có 2.000 ngôi nhà, 7.000 văn phòng cùng nhiều nhà hàng và cửa hàng mua sắm. Các tòa nhà sẽ có nhiều hình dạng và chiều cao khác nhau, mang đến một cảnh quan đa dạng và hấp dẫn. Thiết kế tổng thể của chúng sẽ thể hiện vẻ đẹp tự nhiên của gỗ, mang lại cảm giác ấm áp và gần gũi với thiên nhiên.
Ngoài việc sử dụng vật liệu xây dựng có nguồn gốc bền vững, Stockholm Wood City cũng sẽ góp phần giảm lượng khí thải cacbon. Các tấm pin mặt trời sẽ được lắp đặt trên mái nhà, kết nối với hệ thống pin lưu trữ, giúp giảm mức tiêu thụ điện năng từ lưới điện. Bên cạnh đó, cây xanh sẽ được trồng trên mái nhà và sân thượng, không chỉ tăng cường không gian xanh mà còn cải thiện chất lượng không khí và tạo ra môi trường sống lành mạnh.
Dự án này có tổng vốn đầu tư lên tới 12 tỷ krona (tương đương khoảng 1,4 tỷ USD), hứa hẹn mang lại một bước ngoặt lớn trong việc xây dựng và phát triển các thành phố bền vững.
Có khả năng chống cháy
Cũng như nhiều dự án xây dựng hiện đại khác, Stockholm Wood City vẫn sẽ sử dụng một số lượng bê tông và thép cho các phần cụ thể như nền móng. Tuy nhiên, tổng khối lượng của những loại vật liệu này sẽ được giảm thiểu đáng kể. Nhờ vào việc các tòa nhà bằng gỗ có trọng lượng nhẹ hơn, nền móng của chúng cũng có thể nhỏ hơn so với các công trình truyền thống, giúp tiết kiệm thêm nguyên liệu và chi phí xây dựng.
Dự án của Thụy Điển này sẽ sử dụng các phần gỗ được đúc sẵn, được làm từ “gỗ kỹ thuật”. Thay vì sử dụng gỗ xẻ thông thường, ván dăm hay ván ép, gỗ kỹ thuật là một loại vật liệu tổng hợp, chứa các lớp gỗ được ghép lại với nhau theo những cách cụ thể. Các thớ gỗ trong mỗi lớp được xếp thẳng hàng, tạo ra các phần riêng lẻ của tòa nhà như sàn, tường, thanh chống xiên và dầm với độ bền cực kỳ cao. Điều này giúp cắt giảm lượng nguyên liệu thô ban đầu và cho phép quá trình xây dựng diễn ra nhanh hơn. Hơn nữa, các bộ phận đúc sẵn có thể được vận chuyển và lắp ráp một cách nhanh chóng và hiệu quả tại công trường, giảm thiểu thời gian và chi phí xây dựng.
Ngoài ra, quá trình thi công sẽ không gây ra nhiều tiếng ồn như khi sử dụng bê tông và gạch. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho cả người xây dựng và cư dân địa phương.
Đặc biệt, một trong những mối lo ngại lớn nhất đối với các tòa nhà bằng gỗ là nguy cơ hỏa hoạn. Để giải quyết vấn đề này, các tòa nhà ở Stockholm Wood City sẽ được trang bị hệ thống chống cháy hiện đại như vòi phun nước tự động và các lớp nguyên liệu chống cháy. Những biện pháp này tương tự như những gì được sử dụng trong các dự án xây dựng bằng bê tông hay gạch, đảm bảo mức độ an toàn cao nhất cho cư dân.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu ngày càng tin tưởng vào khả năng chống cháy của gỗ kỹ thuật. Điển hình như tòa nhà The Ascent làm hoàn toàn bằng gỗ khối tọa lạc tại Milwaukee, Wisconsin (Mỹ), để nhận được cấp phép xây dựng, Sở Lâm nghiệp Mỹ đã tiến hành thử nghiệm trên các cột gỗ nhiều lớp mà họ sẽ dùng để thi công. Sau khi thử nghiệm, kết quả cho thấy các cột này rất khó cháy và đã nhận được chứng chỉ chống cháy trong 3 giờ, vì chúng vẫn giữ nguyên cấu trúc khi bị đốt cháy. Nếu không có nguồn nhiệt ổn định, lớp ngoài của tấm gỗ sẽ bị cháy thành than, tạo ra một lớp bảo vệ tự nhiên cho cấu trúc bên trong.
Theo đó, Atrium Ljungberg hy vọng rằng dự án Stockholm Wood City cũng sẽ thành công mở ra một chương mới trong việc xây dựng các thành phố thân thiện với môi trường và an toàn hơn khi hỏa hoạn.