Sàn thương mại điện tử phải chịu một phần trách nhiệm với hàng giả, hàng nhái

(CL&CS)- Để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực TMĐT cần quy trách nhiệm đối với chủ sàn, chủ website trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), thương mại điện tử(TMĐT) hay kinh doanh hàng hóa online hiện nay đã chi phối rất nhiều trong cuộc sống, đòi hỏi lực lượng chức năng phải kịp thời nắm bắt, có phương pháp kiểm soát phù hợp thực tế. Khoảng 2 năm gần đây, TMĐT trở thành một trong những vấn đề lớn, tác động đến việc kinh doanh trực tiếp tại cửa hàng, cửa hiệu; người mua dần thay đổi thói quen, dẫn đến các cơ sở phải cắt giảm sự hiện diện trên phố để chuyển dịch hình thức kinh doanh.

Đơn cử như chợ Ninh Hiệp với khoảng 2.000 hộ kinh doanh, hoạt động buôn bán tại đây luôn tấp nập với lượng hàng hóa luân chuyển lớn, đưa đi khắp nơi trên cả nước nên số hàng giả hàng nhái rất cao. Thế nhưng, chợ Ninh Hiệp rất đìu hiu, vắng vẻ và đa số cửa hàng tại đây đóng cửa trả lại mặt bằng cho thuê vì chủ yếu tập trung bán hàng online. Không chỉ tại địa bàn Hà Nội mà ngay cả đầu cầu phía Nam tại các trung tâm thương mại và những quận sầm uất nhất Tp. Hồ Chí Minh tình trạng trả lại mặt bằng kinh doanh cũng đang diễn ra phổ biến.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương)

Ông Trần Hữu Linh cũng đưa ra con số so sánh rằng: Nếu như năm 2020, doanh số bán lẻ trên Internet tại Việt Nam là 13 tỷ USD thì đến năm 2022, con số này tăng vọt lên thành 35 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á. Gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm online, cao nhất Đông Nam Á với 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số.

Điều này cho thấy, thương mại điện tử có yếu tố online, nên yêu cầu tính nghiệp vụ cực kỳ lớn. Do vậy, quá trình kiểm soát, xử lý.. lực lượng gặp rất nhiều khó khăn bởi tính đặc thù như địa điểm mua bán không xác định được, người bán hàng có thể ở bất kỳ đâu; kho hàng, thời điểm giao kết hợp đồng rất khó để xác định và chứng cứ rất dễ thay đổi. Hơn nữa việc thanh toán qua trung gian càng khiến quá trình truy vết gặp khó. Điều này cũng đã và đang tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Theo Thượng tá Phạm Công Hải- đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trên không gian mạng hiện nay có rất nhiều hình thức vi phạm liên quan đến thương mại điện tử. Vi phạm điển hình là bán hàng giả của các nhãn hàng lớn. Lực lượng công an đã phát hiện và xử lý nhiều đối tượng bán hàng giả, hàng fake của các thương hiệu lớn như: LV, Gucci, Montblanc... Các loại hàng giả chủ yếu là: Túi, ví, dây lưng, đồng hồ, quần áo, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm...Các sản phẩm này chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc, nhập lậu về Việt Nam.

Còn theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, các mặt hàng bị làm giả, làm nhái trên thương mại điện tử rất đa dạng và khó phát hiện, do hình ảnh và thông tin sản phẩm cung cấp trên các trang bán hàng là thật. Người bán hàng lại thường không có kho hàng, chỉ bán online, làm cộng tác viên trung gian... nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, xử lý.

Một thủ đoạn khác là các đối tượng chỉ chạy 1 link bán hàng trên 50 fanpage khác nhau, mỗi page chỉ cần bán vài đơn hàng là họ khóa trang, xóa dấu vết nên ngoài các giải pháp kỹ thuật, cần sự phối hợp của các đơn vị.

Trong khi đó, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN Nguyễn Phương Minh nêu rõ, để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực TMĐT cần quy trách nhiệm đối với chủ sàn, chủ website trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, các sàn TMĐT cần xây dựng cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng liên thông giữa các bộ, ngành để kết nối, chia sẻ thông tin, nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn.

Đồng tình với ý kiến này, Thượng tá Phạm Công Hải nêu rõ, vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, hàng giả trên không gian mạng đều gắn chặt với thanh toán điện tử. Do vậy, cần thu thập thông tin tài liệu về tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản tiền ảo, tiền kỹ thuật số… từ đó phối hợp với ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán để xác minh, làm rõ chủ tài khoản, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng để làm được điều này cần sự chung tay của các sàn TMĐT.

Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử, theo ông Trần Hữu Linh phải coi mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử là một trận địa, không gian ảo cũng như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới QLTT các địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm.

Điều đó cho thấy thương mại điện tử, mạng xã hội là không gian vô cùng rộng lớn, xuyên biên giới, do vậy, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên thương mại điện tử. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

TIN LIÊN QUAN