Nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Ninh Bình, Nho Quan là huyện miền núi có điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi để phát triển đa dạng các loại cây dược liệu. Trong đó có giống sâm Cúc Phương.
Tại xã Cúc Phương, từ xa xưa, giống sâm được người dân địa phương gọi với cái tên quen thuộc là cây bổ béo. Đây là loại thảo dược thiên nhiên có hàm lượng dinh dưỡng cao. Đặc biệt, toàn bộ cây sâm từ hoa, lá, cành và củ đều có thể chế biến thành các sản phẩm có ích.
“Ngày trước đi rừng thấy, chúng tôi mang về sử dụng, đặc biệt người bị ốm, người mệt mỏi dùng rất hiệu quả, mau khỏi. Chúng tôi dùng lá sâm nấu canh, hoa tươi để hãm nước, củ thì tầm từ 1 năm trở lên thu hoạch. Dùng không hết để ở vườn lưu cữu 2-3 năm”, bà Lê Thị Mai Phương – người dân xã Cúc Phương cho biết.
Đứng đầu trong 4 vị thuốc thượng hạng của Đông y là sâm, nhung, quế, phụ. Có lẽ vì vậy, sâm còn được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian để bồi bổ sức khỏe và chữa trị bệnh lý.
Bác sĩ Bùi Đình Trị cho biết: “Tôi về đây công tác từ năm 2007 đến nay. Tôi chú ý tìm hiểu những cây thuốc, vị thuốc của người đồng bào. Trong đó, có bài thuốc bổ gia truyền của người Mường, họ có những vị thuốc tốt, trong đó có vị thuốc bổ cây sâm Cúc Phương. Tôi cũng sưu tầm giống sâm này và trồng 1 ít để nghiên cứu về hoạt chất của nó. Trong sâm này hàm lượng Saponin rất cao, canxi hữu cơ cao, các axit amin của thực vật. Những chất này người bệnh và người bình thường nhu cầu rất cao cần. Chẳng hạn như canxi trong 147 mặt bệnh thì bệnh nào cũng cần đến canxi”.
Nhận thấy giống sâm này chứa nhiều dinh dưỡng như saponin, omega 3-6-9, các khoáng chất như sắt, canxi… anh Nguyễn Đức Tuấn đã cùng bà con đưa giống sâm từ rừng Cúc Phương về trồng và nhân rộng tại xã Yên Quang, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Với hệ sinh thái đa dạng, nguồn nước suối khoáng tự nhiên cũng như thổ nhưỡng, nhiệt độ phù hợp, cây sâm không những phát triển tốt tại vùng đất này mà còn tích lũy được lượng canxi và sắt cao hơn so với cây giống, lên tới 17.000 mg/kg và 800 mg/kg. Từ đây, anh Tuấn cùng một số hộ trồng sâm trong xã đã liên kết thành lập HTX Sâm Cúc Phương Bochi để nhân rộng mô hình, đưa cây sâm Cúc Phương trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương, giúp bà con làm giàu, phát triển kinh tế.
Để tạo nên sản phẩm tiêu biểu của vùng với giá trị cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, anh Tuấn cùng người dân nơi đây phải vô cùng kiên nhẫn và tỉ mỉ từ quá trình gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và cả chế biến.
“Từ bón lót, bón thúc đều dùng phân hữu cơ, công tác phòng trừ sâu bệnh cũng hoàn toàn thủ công, tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Chưa kể đến việc phải chăm bón cây thường xuyên từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch, nhằm tạo ra môi trường tối ưu để cây sâm phát triển.
Trong 21 loại sâm, sâm Cúc Phương là loại duy nhất có khả năng chịu nóng, sống được ở nhiều vùng đất khác nhau. Sâm cũng tích lũy được hàm lượng dinh dưỡng cao trong mùa lạnh và sau tối thiểu 1 năm là có thể thu hoạch. Đặc biệt, toàn bộ cây sâm từ hoa, lá, cành và củ đều có thể chế biến thành các sản phẩm có ích”, anh Tuấn nói.
Quy trình chế biến sâm Cúc Phương cũng vô cùng công phu: phải rửa dưới dòng nước một chiều, bắt buộc phải sấy lạnh, khử khuẩn UV...
Cũng theo anh Tuấn, sâm Cúc Phương được gieo hạt vào mùa Xuân. Trước đó, đất vườn ươm phải được cày bừa kỹ, làm sạch cỏ, lên luống… và bón lót bằng phân chuồng ủ hoai. Sau 5-6 tháng, sâm sẽ trổ hoa. Hoa sâm từ 3-9 tháng tuổi là có thể thu hoạch.
“Việc thu hoạch hoa thường diễn ra vào lúc sáng sớm để tránh nắng gắt. Đặc biệt, trong tối đa 4 tiếng kể từ thời điểm hái, hoa phải được đưa về nhà máy để chế biến, nhằm giữ được độ tươi. Hoa sâm có thể chế biến thành nhiều sản phẩm như bột dinh dưỡng, mỹ phẩm và trà, mang lại nguồn lợi đáng kể cho người trồng dù chưa thu hoạch củ.
Hoa cây sâm có thể chế biến thành nhiều sản phẩm như bột dinh dưỡng, mỹ phẩm và trà.
Sâm từ 3-5 tháng tuổi sẽ được tỉa cành với tỷ lệ từ 30-35%, giúp cây tập trung phát triển phần củ. Với các cành đã được tỉa, sẽ loại bỏ cành sâu bệnh và chia thành 2 phần: phần thân lá non dùng để chế biến thành trà, phần thân lá già được sấy khô, nghiền nhỏ để làm thức ăn gia súc”, anh Tuấn cho biết.
Trong suốt quá trình từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch, HTX còn áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, nhằm cung cấp dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho cây. Cụ thể, các loại phân vi sinh được ủ từ trùn quế, rong biển… sẽ được nghiền nhỏ, hòa vào nước và tưới nhỏ giọt, giúp cây sâm dễ dàng hấp thụ dưỡng chất.
Việc đào sâm cũng đòi hỏi kỹ thuật riêng. Bà con sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng cắm xuống đất khoảng 30cm, đào mở xung quanh và lấy đất dần dần, sau đó nhổ nhẹ nhàng, tránh làm xước vỏ hoặc đứt gãy rễ sâm. Nhờ được chăm bón tỉ mỉ bằng các phương pháp canh tác hữu cơ, hầu hết sâm Cúc Phương do các thành viên HTX ươm trồng đều có củ to, đảm bảo độ tươi sạch và có hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Trung bình mỗi củ nặng từ 200-300g, có những củ đột biến nặng tới 500g.
Tận dụng địa thế tự nhiên, bảo tồn nguồn giống quý hiếm, sâm Cúc Phương góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị nguồn dược liệu.
Không chỉ đảm bảo, nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc đầu tư các trang thiết bị, máy móc hiện đại như máy thái, sấy lạnh, máy rang đa năng, máy cân định lượng... HTX Sâm Cúc Phương Bochi còn chú trọng đổi mới, cải tiến mẫu mã, bao bì để từng bước có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Hiện có 2 sản phẩm của HTX đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao là Hoàng trà Bảo sâm và bột sâm Tiến Vương.
Mô hình sâm Cúc Phương tạo việc làm cho lao động, phát triển kinh tế địa phương.
Nhờ việc hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng như bao tiêu sản phẩm, mô hình trồng sâm của HTX Sâm Cúc Phương Bochi đã và đang được mở rộng, phát triển tại các địa phương, qua đó góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.