Tham dự buổi lễ có sự hiện diện của Đại diện Bộ, Ngành Trung ương (Bộ Công Thương Phía Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn), lãnh đạo các Sở, Ngành của Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác có vùng, sản phẩm Saigon Co.op quy hoạch, hướng đến việc phát triển vùng nguyên liệu giai đoạn 1 và giai đoạn 2 (Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Dương, Lâm Đồng, Đăk Nông, Bến Tre, Long An, Bình Thuận, Sơn La).
Saigon Co.op đồng thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ với 17 nhà cung cấp từ 6 tỉnh, thành (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Tiền Giang), đánh dấu hoàn tất giai đoạn 1 của chương trình “quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm Saigon Co.op”. Đây là các đối tác kinh doanh sản xuất và canh tác các mặt hàng nông sản Việt như bưởi da xanh, xoài, chuối, dưa lưới, thanh long, bắp cải trắng, cà chua, cà rốt, rau xà lách, dưa leo ….
Ngoài ra, Saigon Co.op hỗ trợ ứng vốn sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho 5 nhà cung cấp là các hợp tác xã và nhà cung cấp nguyên liệu địa phương chuyên canh các mặt hàng rau an toàn như dưa leo, cà chua beef, bắp cải trắng …
Ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Saigon Co.op chia sẻ “Trong suốt 35 năm hình thành và phát triển vận hành hoạt động của chuỗi siêu thị hiện đại, Saigon Co.op luôn khẳng định vai trò tiên phong trong việc trách nhiệm đối với cộng đồng và người tiêu dùng Việt Nam nâng cao chất lượng cuộc sống. Với tầm nhìn và bản chất đó chúng tôi không ngừng nỗ lực và cải thiện chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất đến khâu phân phối nhằm mang đến những sản phẩm không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn góp phần bảo vệ môi trường. quan trọng hơn là thúc đẩy phát triển bền vững các doanh nghiệp Việt Nam cũng như là nền kinh tế Việt Nam. Xây dựng vùng nguyên liệu gắn với mã số vùng trồng không chỉ mang đến cho người dùng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm giúp nhà sản xuất ổn định đầu ra. Hơn thế nữa, đây là yếu tố then chốt giúp cho việc nhà phân phối đảm bảo nguồn cung ứng ổn định”.
Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM khẳng định “Thành phố Hồ Chí Minh dồi dào tiềm lực và điều kiện để phát triển vùng nguyên liệu một cách bền vững. Với sự quyết tâm và nỗ lực của chính quyền thành phố, doanh nghiệp và cộng đồng, tôi tin rằng chúng ta sẽ xây dựng được những vùng nguyên liệu chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân”.
Quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với mã số vùng trồng mang đến cho người tiêu dùng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm mà còn có thêm nhiều sự lựa chọn với mức giá hợp lý. Đồng thời, giúp nhà sản xuất, đặc biệt là nông dân, ổn định đầu ra, tăng thu nhập và nâng cao đời sống. Hơn thế nữa, việc phát triển vùng nguyên liệu là yếu tố then chốt giúp nhà phân phối đảm bảo nguồn cung ổn định, chất lượng cao, từ đó nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Song song đó, phát triển vùng nguyên liệu còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng tầm vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.