Rất cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm tạo khung pháp lý thuận lợi và thống nhất cho xây dựng, phát triển

(CL&CS) - Mới đây, Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng, để thể chế hóa quan điểm của Đảng, rất cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm tạo khung pháp lý thuận lợi và thống nhất cho xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo cũng như bảo vệ, tôn vinh nghề giáo. Hồ sơ dự án luật, đặc biệt là dự thảo luật sau khi điều chỉnh, tiếp thu đã đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 tới đây.

Đối với các chính sách nhà giáo tại dự thảo Luật Nhà giáo, Phó Chủ tịch Quốc hội nhắc đến việc bằng Luật này, nhà giáo là viên chức đặc biệt. Nghĩa là nhà giáo được hưởng mọi quyền lợi của viên chức hiện hành, đồng thời được hưởng một số chính sách riêng, ưu việt hơn; chẳng hạn, về tiền lương, về đánh giá, về chế độ làm việc và thời gian nghỉ hè, về đào tạo, bồi dưỡng... “Việc gì tốt hơn cho nhà giáo cần phải ủng hộ”, ông Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm.

Các đại biểu đồng ý trình dự án Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đánh giá cao việc Chính phủ rất nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra các cơ quan của Quốc hội để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật. Hồ sơ Chính phủ trình lần này có một bước thay đổi rất cơ bản, nhất là trong việc tiếp cận, trong cách thức điều chỉnh…

Báo cáo 608 của Chính phủ đã thể hiện rất rõ những nội dung tiếp thu, chỉnh lý, làm rõ sự cần thiết ban hành Luật, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các chính sách lớn; đặc biệt là bổ sung đánh giá tác động rất cụ thể khi thực hiện chính sách đặc thù đối với nhà giáo quy định tại dự thảo Luật. Những hồ sơ này sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo luật Nhà giáo tại kỳ họp sắp tới. Đề nghị Chính phủ chuẩn bị kịp tờ trình chính thức về dự án Luật để trình Quốc hội và khớp các nội dung tiếp thu, chỉnh lý, ông Hoàng Thanh Tùng đồng thời đưa ra một số góp ý nhằm thêm một bước hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ GD&ĐT trong việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo để trình Ủy ban Thường vụ. Nội dung dự thảo lần này thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo là chỉ quy định những chính sách đặc thù. Bộ GD&ĐT cùng Bộ Nội vụ đã đặt ra các chính sách tháo gỡ nguồn lực, tạo những ưu đãi cho đội ngũ giáo viên trong công tác tuyển dụng, sử dụng. Ví dụ việc điều động với nhà giáo; bổ sung chính sách ưu đãi, như kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với nhà giáo có trình độ cao…

Ông Trương Hải Long cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; đó là ủng hộ quy định thực sự có lợi cho đội ngũ giáo viên và các chính sách này áp dụng chung được cho khối công và tư, theo đúng tinh thần Luật Nhà giáo đưa ra là thực hiện việc tôn vinh nhà giáo, đề cao vấn đề đạo đức nghề nghiệp, cũng như những hoạt động của nhà giáo trong thời gian tới tốt hơn.

Đại diện Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho biết nhất trí cao với dự thảo Luật lần này sau khi chúng ta đã chỉnh sửa rất bài bản, rất kỹ; đồng thời chia sẻ một ý kiến còn băn khoăn về khoản 3 của Điều 40 trong dự thảo Luật.

Đánh giá, Ban soạn thảo đã hết sức tích cực, khẩn trương, hầu hết các ý kiến góp ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 37 đã được Chính phủ, Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có thêm một số định hướng, đề nghị để Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện trước khi đưa ra Kỳ họp thứ 8 thảo luận lần đầu.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các nội dung đã được điều chỉnh ở Luật chuyên ngành khác không quy định ở Luật Nhà giáo; Luật chỉ quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, các quy định chi tiết giao Chính phủ, các Bộ, ngành theo thẩm quyền ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu, Ban soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động để làm rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật; đánh giá tác động rõ tới đâu thì quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng tới đó, không làm một cách mênh mông, dàn trải.

Theo Chủ tịch Quốc hội, báo cáo tiếp thu, giải trình của Chính phủ cũng cần làm rõ một số chính sách ưu tiên, điều kiện đảm bảo đối với các đối tượng nhà giáo như chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi, chính sách hỗ trợ miễn học phí… Việc đánh giá kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tính khả thi, đảm bảo tính công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác.

Trao đổi tổng hợp các ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà giáo tại Phiên họp thứ 38, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhận định: Mặc dù trong thời gian rất gấp nhưng Chính phủ, Ban soạn thảo Luật Nhà giáo đã rất nỗ lực, cầu thị, nghiên cứu, tiếp thu tối đa, giải trình cơ bản các ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và các cơ quan của Quốc hội.

Hồ sơ dự thảo luật sau khi chỉnh lý, tiếp thu đã có sự điều chỉnh ngắn gọn và thay đổi căn bản, giảm 26 điều từ 71 điều xuống 45 điều. Nội dung dự thảo luật sau chỉnh lý tập trung quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, có sự cân nhắc, điều chỉnh theo hướng chỉ quy định trong dự thảo luật những vấn đề đã chín, đã rõ, đã ổn định, giải quyết được những vấn đề bất cập trong thực tiễn và tạo ra bước đột phá cho hoạt động của ngành giáo dục đào tạo, trong đó có nhà giáo.

Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng, để thể chế hóa quan điểm của Đảng, rất cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm tạo khung khổ pháp lý thuận lợi và thống nhất cho xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo cũng như bảo vệ, tôn vinh nghề giáo. Hồ sơ dự án luật, đặc biệt là dự thảo luật sau khi điều chỉnh, tiếp thu đã đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 tới đây.

TIN LIÊN QUAN