Theo định hướng của Đề án, Quảng Ninh không chỉ đặt mục tiêu phát triển thành một trong những trung tâm du lịch hàng đầu cả nước, mà còn đóng vai trò là cửa ngõ hợp tác, kết nối du lịch với khu vực và quốc tế. Địa phương này xác định con đường phát triển du lịch dựa trên tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, lấy "Du lịch bốn mùa" làm nền tảng, qua đó từng bước khẳng định vị thế điểm đến hàng đầu ở châu Á.
Quảng Ninh đặt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch kết nối toàn cầu
Quảng Ninh cũng đặt tham vọng trở thành trung tâm tổ chức sự kiện âm nhạc, điện ảnh, lễ hội quốc tế, hội nghị, hội chợ, triển lãm, MICE, cũng như phát triển thành điểm đến trăng mật lý tưởng, một thiên đường nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe đẳng cấp toàn cầu và trung tâm du lịch tâm linh, Phật giáo hàng đầu Việt Nam.
Bên cạnh đó, tỉnh xác định rõ việc tổ chức không gian du lịch và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ là yếu tố then chốt để thúc đẩy kết nối nội tỉnh, quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, Quảng Ninh sẽ chú trọng đầu tư hệ thống giao thông hiện đại, mở rộng mạng lưới kết nối để gia tăng sức hút đối với khách du lịch quốc tế.
Phát triển du lịch bền vững gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh cũng là định hướng xuyên suốt của Quảng Ninh trong giai đoạn tới. Địa phương cam kết xây dựng môi trường an toàn, ổn định và thân thiện để ngành du lịch có điều kiện phát triển lâu dài, đồng thời bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia và trật tự xã hội.
Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ninh phấn đấu trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới, với hệ thống sản phẩm và dịch vụ đạt chuẩn quốc tế, thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh toàn cầu. Trong lộ trình này, tỉnh cũng đặt ra yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng GRDP, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Bên cạnh việc bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống, Quảng Ninh nhấn mạnh nhiệm vụ bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai. Đặc biệt, tỉnh cam kết bảo tồn và phát huy các giá trị của Khu di tích đặc biệt quốc gia Yên Tử, chuẩn bị sẵn sàng khi di tích này được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Hướng tới năm 2045, Quảng Ninh đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm du lịch kết nối toàn cầu, điểm đến hàng đầu thế giới, với định vị thương hiệu "Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long" là thiên đường cảnh quan, biểu tượng của sự cân bằng giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và chất lượng sống.
Về con số cụ thể, năm 2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 20 triệu lượt khách, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế, khách lưu trú đạt trên 8 triệu lượt, doanh thu du lịch ước đạt 55.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2024. Đến năm 2030, tỉnh kỳ vọng đón trên 26 triệu lượt khách, trong đó có 9 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 158.000 tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với năm 2024.
Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 20 triệu lượt khách, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế
Để hiện thực hóa những mục tiêu này, Quảng Ninh sẽ tập trung định vị thương hiệu du lịch là trung tâm kết nối khu vực và thế giới, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, mở rộng thị trường khách và tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch.
Ngoài ra, tỉnh sẽ chú trọng đầu tư vào nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch số hiện đại, giúp du khách có trải nghiệm tiện ích và đa dạng, từ việc tra cứu thông tin điểm đến, đặt dịch vụ, tới phản hồi trực tiếp với cơ quan quản lý.
Với chiến lược bài bản, Quảng Ninh không chỉ hướng đến việc giữ vững vị trí đầu tàu về du lịch trong nước mà còn từng bước vươn ra thế giới, trở thành điểm đến xứng tầm toàn cầu.