Mức độ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong giới trẻ Việt Nam đang ở mức cao
Hội thảo nằm trong chuỗi InnovaConnect do Quỹ VinFuture phối hợp với Trường Đại học Y tế công cộng tổ chức với sự tham gia của gần 500 khách mời, gồm các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.
Quang cảnh Hội thảo
Hiện nay, việc sử dụng thuốc lá điện tử (vape, pod, v.v) và thuốc lá nung nóng có thể nhanh chóng trở thành xu hướng trong giới trẻ và thanh niên, làm dấy lên nhiều lo ngại về sức khỏe cộng đồng, nếu không có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Các sản phẩm thuốc lá mới, đặc biệt là thuốc lá điện tử, đang trở thành mối đe dọa lớn đối với các nỗ lực kiểm soát thuốc lá trên toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, Trường Đại học Y tế công cộng phối hợp với Quỹ VinFuture tổ chức hội thảo khoa học “Phòng chống tác hại của thuốc lá mới: Bằng chứng khoa học, kinh nghiệm tại Việt Nam và trên thế giới”.
Hội thảo quy tụ các chuyên gia để cùng trao đổi những bài học kinh nghiệm, chia sẻ về thực tiễn các nước và tìm kiếm giải pháp phòng chống tác hại của thuốc lá mới: Về phía Việt Nam, có GS. TS. Hoàng Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng tại Hà Nội. Ông là chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế sức khỏe, phương pháp nghiên cứu khoa học và thống kê y học. Bên cạnh đó là các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực này của 3 quốc gia.
GS.TS. Hoàng Văn Minh là một nhà quản lý, giảng viên và nhà khoa học luôn cần mẫn với công việc, GS.TS. Hoàng Văn Minh còn được biết đến là trưởng nhóm của các nghiên cứu quốc gia, liên quốc gia tiêu biểu về: Nghiên cứu hệ thống y tế và kinh tế y tế; Nghiên cứu công bằng sức khoẻ và các yếu tố ảnh hưởng; Đánh giá công nghệ y tế; Các bệnh mãn tính không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ, đặc biệt về phòng chống tác hại thuốc lá… Nhiều công trình nghiên cứu đã áp dụng thành công vào thực tế, được Bộ Y tế đánh giá cao về tính hữu dụng cho sự phát triển của ngành y tế nói chung, cung cấp bằng chứng cho hoạch định chính sách y tế và các kết quả nghiên cứu này đã được công bố ở hơn 200 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín.
Ngoài ra, còn có các chuyên gia gồm PGS. Becky Freeman - Trường Y tế công cộng, Đại học Sydney (Úc), chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu kiểm soát thuốc lá và những ảnh hưởng của truyền thông mạng xã hội tới sức khỏe cộng đồng. Bà Bungon Ritthiphakdee - Cố vấn cấp cao cho Liên minh phòng chống tác hại thuốc lá khu vực Đông Nam Á (SEATCA) và Giám đốc điều hành Trung tâm quản trị và kiểm soát thuốc lá toàn cầu (GGTC).
Sự kiện được tổ chức trực tiếp tại Trường Đại học Y tế công cộng tại Hà Nội (Việt Nam) và tại Thái Lan và Australia hội thảo cũng diễn ra đồng thời và kết nối trực tuyến với đầu cầu Việt Nam. Các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung phân tích những tác động tiêu cực của các loại thuốc lá mới, cùng trao đổi những bài học kinh nghiệm, chia sẻ về thực tiễn các nước và thảo luận những biện pháp phòng, chống đã áp dụng tại Việt Nam và thế giới.
Mức độ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong giới trẻ Việt Nam đang ở mức cao, đặc biệt khi so sánh với các chỉ số về sử dụng thuốc lá truyền thống. GS. Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng đã chia sẻ những phát hiện đáng lo ngại từ thông tin nhóm nghiên cứu của ông thu thập được.
Theo Trường Đại học Y tế công cộng, trong giai đoạn tháng 10 - 12/2023, trên 3.801 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 tại 11 tỉnh, thành ở Việt Nam. Kết quả 96,2% và 37,8% học sinh nhận thức được sự tồn tại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Trong đó 14% đã từng sử dụng thử thuốc lá điện tử và 7% hiện đang sử dụng trong 30 ngày qua. Tỷ lệ này đối với thuốc lá nung nóng là 1,8% đã từng sử dụng và 1,0% hiện đang sử dụng.
Ngoài ra, theo GS. Minh, đây là xu hướng đáng lo ngại, vì nó có thể đảo ngược những nỗ lực kiểm soát việc sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên đã được triển khai quyết liệt trong nhiều năm qua. Đặc biệt, việc các chỉ số cao ở cả nhóm người dùng thử và nhóm đang dùng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng thậm chí có thể dẫn đến sự gia tăng về tỉ lệ sử dụng thuốc lá truyền thống trong tương lai. Việc nghiện chất nicotine dần hình thành trong quá trình sử dụng thuốc lá điện tử có thể dẫn đến sự "chuyển tiếp" sang các sản phẩm thuốc lá truyền thống”.
Không chỉ ở Việt Nam, tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới cũng gia tăng nhanh ở nhiều quốc gia trong 10 năm qua. Sự hấp dẫn của các thiết bị thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng với kiểu dáng thời thượng, hương vị đa dạng và những chiến dịch quảng cáo tinh vi đã khiến nhiều người, đặc biệt là thanh thiếu niên, lầm tưởng rằng những sản phẩm này an toàn hơn so với thuốc lá truyền thống.
Theo GS. Minh, các chiến dịch sức khỏe cộng đồng đóng vai trò then chốt trong việc đối phó với tình trạng thiếu hiểu biết về tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Ngoài ra, các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng có thể tạo ra một làn sóng ủng hộ mạnh mẽ cho các chính sách kiểm soát thuốc lá, tránh tư tưởng cho rằng hút thuốc là "ngầu" hoặc "nam tính".
Tăng cường mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động trong chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá
GS.TS. Hoàng Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng nhấn mạnh, số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV/AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại. Khói thuốc lá là nguyên nhân gây ra 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh về tim mạch, hô hấp, mắt, xương khớp…
Tại Việt Nam, với nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường của người dân đã giảm đáng kể, việc xây dựng các mô hình “Không hút thuốc lá tại nơi làm việc” ngày càng đạt hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ sử dụng thuốc lá của người trưởng thành vẫn cao, khoảng 1/4 số người trưởng thành trên thế giới đang sử dụng thuốc lá. Đặc biệt, tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng tăng, từ 0,2% (2015) lên 3,7% (2023) và nhiều nhất ở nhóm tuổi 15-24 tuổi, 7,3% (2023). Chính vì vậy, công tác phòng chống tác hại thuốc lá cũng cần phải tăng cường và mạnh mẽ hơn.
PGS. Becky Freeman, chuyên gia từ Trường Y tế công cộng, Đại học Sydney (Úc), cho biết: “Các công ty thuốc lá đang sử dụng những chiến thuật quảng cáo tinh vi để thu hút giới trẻ, đặc biệt là thông qua mạng xã hội. Họ tạo ra những hình ảnh hấp dẫn, sử dụng người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm và đưa ra những thông tin sai lệch về độ an toàn của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng”.
Đồng tình với quan điểm này, bà Bungon Ritthiphakdee, Giám đốc Điều hành Trung tâm Quản trị và Kiểm soát thuốc lá toàn cầu (GGTC, Thái Lan) nhận định, ngành công nghiệp thuốc lá đang tìm cách “lách” các quy định quản lý bằng việc giới thiệu các sản phẩm mới như thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, nhằm đối phó với các quy định ngày càng nghiêm ngặt đối với thuốc lá truyền thống.
Hiện trên thế giới có ít nhất 34 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử, 11 quốc gia cấm bán thuốc lá nung nóng. Điển hình như tại Singapore, từ tháng 2/2018, chính phủ nước này đã hoàn toàn cấm việc mua bán, sử dụng và sở hữu các sản phẩm thuốc lá như thuốc lá điện tử, shisha và thuốc lá không khói.
“Chính phủ Singapore muốn bảo vệ thế hệ tương lai của mình và đó là lý do họ quyết định cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng”, bà Ritthiphakdee chia sẻ.
Hiện nay công tác phòng, chống tác hại thuốc lá cũng còn gặp nhiều khó khăn khi tỷ lệ sử dụng thuốc lá của người trưởng thành vẫn còn rất cao với 38,9% nam giới trưởng thành hút thuốc. Đặc biệt là tình trạng sử dụng các loại thuốc lá điện tử trong học sinh, sinh viên ngày càng gia tăng. Vì vậy các hoạt động trong chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá tại các địa phương cần phải tăng cường và mạnh mẽ hơn nữa.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã có nội dung giới thiệu chung về thuốc lá mới và báo cáo kết quả nghiên cứu về điều tra tình hình sử dụng thuốc lá mới ở thanh thiếu niên tại 11 tỉnh/thành phố; Kinh nghiệm kiểm soát thuốc lá mới tại Thái Lan và một số nước trong khu vực Đông Nam Á; Thuốc lá mới và các chiến lược hướng tới giới trẻ của ngành công nghiệp thuốc lá: Sử dụng nghiên cứu để gợi ý các chính sách phòng ngừa thuốc lá điện tử ở Australia...
Theo các chuyên gia y tế, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, với các bệnh như: đột quỵ, mạch vành, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Hút thuốc lá không những gây tổn hại đối với sức khỏe bản thân người sử dụng mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh vì hít phải khói thuốc; tác động xấu đến môi trường sống, làm tăng gánh nặng kinh tế đối với các quốc gia do chi phí chăm sóc y tế lớn để điều trị các bệnh có liên quan đến thuốc lá.
Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực từ ngày 01/5/2013. Điều đó, thể hiện những bước tiến đáng ghi nhận trong công tác lập pháp của Việt Nam, thể hiện nhận thức đúng đắn của Đảng, Nhà nước về tác hại của thuốc lá cũng như yêu cầu và tầm quan trọng của việc phòng, chống tác hại của thuốc lá trong cộng đồng. Tuy nhiên, để Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đi vào cuộc sống thì vẫn còn đó những khó khăn, vấn đề cốt lõi trong công cuộc phòng, chống tác hại của thuốc lá là phải nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá trong cộng đồng.
Bỏ thuốc lá đã trở thành một phong trào rộng rãi trên thế giới, dù là nước phát triển hay nước đang phát triển cũng đều quan tâm tới vấn đề này. Để thúc đẩy phong trào bỏ thuốc lá, thế giới đã chọn ngày 31/5 hàng năm làm “Ngày Thế giới không hút thuốc lá”. Hàng năm, vào ngày 31/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác cùng kỷ niệm Ngày Thế giới không thuốc lá. Mục đích nhằm nêu bật những nguy cơ sức khỏe liên quan đến sử dụng thuốc lá và ủng hộ các chính sách hiệu quả để giảm sử dụng thuốc lá.
Công cuộc phòng, chống tác hại của thuốc lá không phải đơn giản, đòi hỏi phải diễn ra thường xuyên, liên tục và lâu dài. Việc thực thi quy định xử phạt hành chính hành vi hút thuốc lá nơi công cộng cần thực chất, đủ để răn đe. Đặc biệt, vấn đề cốt lõi là người dân phải tự nâng cao ý thức tự giác không hút thuốc lá. Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá ra đời là hành lang pháp lý quan trọng góp phần hạn chế bệnh tật, nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe cộng đồng.