Ba trụ cột phát triển
Theo Quyết định số 1516 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050", mục tiêu phát triển đến năm 2030 là xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và đường thuỷ nội địa; trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, trọng tâm là dịch vụ cảng biển, logistics và du lịch biển...
Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng được quy hoạch là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển: dịch vụ cảng biển-logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; quy mô dân số khoảng 4,5 triệu người, có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới.
Ba nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển
Đầu tiên là cảng biển và dịch vụ logistics: Xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành một trung tâm kết nối quốc tế, có dịch vụ logistics hiện đại; cảng Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn thành cụm cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển và logistics. Thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, trong đó nghiên cứu Khu thương mại tự do với những cơ chế, chính sách đột phá, nổi trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới.
Tiếp đến là chuyển đổi số: Là địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Chuyển đổi số toàn diện theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội thành phố dựa trên áp dụng công nghệ số, dữ liệu số. Phát triển mạnh kinh tế số, trước hết là ba trụ cột kinh tế: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại. Hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của dân cư.
Cuối cùng là phát triển du lịch: Xây dựng quần thể du lịch biển Cát Bà - Đồ Sơn có sức hấp dẫn cao; kết hợp với Vịnh Hạ Long trở thành trung tâm du lịch biển tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa; liên kết với các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng, trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới. Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.
Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, ưu tiên phát triển các ngành chủ lực có vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của thành phố, gồm: Sản phẩm điện tử và công nghệ thông tin; Dịch vụ cảng biển và logistics; Thương mại. Phấn đấu 3 nhóm ngành này chiếm tỷ trọng khoảng 55 - 60% giá trị tăng thêm trên địa bàn thành phố vào năm 2030.
Trải nghiệm du lịch đa dạng từ ẩm thực đường phố đến các bãi biển
Hải Phòng phù hợp để du lịch cả 4 mùa trong năm. Mùa đông đến Hải Phòng, bạn sẽ được chiêu đãi các món ẩm thực đường phố nóng hổi. Mùa hè, bạn có thể đi biển hoặc thưởng thức món dừa dầm trứ danh tại các quán trong thành phố. Ngoài ra, mùa hè cũng là thời điểm hoa phượng nở rộ trên các tuyến phố trung tâm và đường tới Đồ Sơn.
Một số địa điểm check-in rất đáng để du khách lui tới:
1. Ga Hải Phòng
Đây là địa điểm check-in đầu tiên dành cho du khách lựa chọn đi tàu hỏa từ Hà Nội xuống Hải Phòng. Nhà ga in đậm dấu ấn kiến trúc của người Pháp và được coi là một trong những nhà ga xe lửa đẹp nhất mà người Pháp để lại ở Việt Nam.
2. Nhà hát thành phố
Nhà hát thành phố Hải Phòng được xây dựng vào năm 1904 trên nền một khu chợ cũ của làng cổ An Biên và hoàn thành vào năm 1912. Công trình này được làm theo nguyên mẫu nhà hát Paris, nguyên vật liệu xây dựng mang từ Pháp sang, việc thi công do thợ và nhân công Việt Nam thực hiện dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư Pháp.
Thời Pháp thuộc, nhà hát lớn là nơi sinh hoạt chính trị, văn hoá của người Pháp và những người bản xứ giàu có. Chỉ những gánh hát từ Pháp sang hoặc những gánh hát nổi tiếng trong nước mới được biểu diễn tại đây và chỉ người giàu có mới đủ tiền mua vé vào xem. Hiện nay, đây là biểu tượng du lịch của thành phố, nằm ở trung tâm, thường xuyên diễn ra các hoạt động văn nghệ và là tụ điểm hẹn hò của các nhóm bạn trẻ buổi tối.
3. Những cây cầu
Hải Phòng được mệnh danh là thành phố của những cây cầu. Chúng đặc biệt đẹp hơn khi về đêm. Cầu Bính bắc qua sông Cấm, nối nội thành Hải Phòng với huyện Thủy Nguyên và đi Quảng Ninh, thiết kế theo đường cong để tạo dáng kiến trúc và thẩm mỹ.
Cũng bắc qua sông Cấm, cầu Hoàng Văn Thụ với kiến trúc biểu tượng "Cánh chim biển" nối liền hai quận Hồng Bàng và Ngô Quyền với huyện Thủy Nguyên. Cầu Hoàng Văn Thụ được thắp sáng ban đêm với hệ thống đèn led nghệ thuật, phối hợp nhiều sắc màu. Du khách và người dân thường tới để hóng gió, chụp ảnh.
Cầu Quay xe lửa bắc qua sông Tam Bạc được người Pháp khởi công xây dựng vào năm 1901. Cầu được thiết kế có nhịp cầu giữa có thể quay ngang 90 độ, dọc theo bờ sông để tàu thuyền không gặp bất kỳ trở ngại nào khi qua lại trên sông. Cây cầu đường bộ với nhiều sắc màu được xây dựng thêm để các phương tiện giao thông di chuyển dễ dàng hơn.
Cây cầu mới nhất là cầu Rào được xây lại. Đỉnh cầu gắn 3 bông hoa phượng đỏ bằng thép, biểu tượng của thành phố.
4. Tuyệt tình cốc
Hồ nước ở Hải Phòng được các bạn trẻ ví như "Tuyệt tình cốc" bởi màu nước xanh lạ mắt và bao bọc bởi núi đá vôi.
Hồ nước này nằm ở thôn Trại Sơn, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên. Nơi đây trước kia có tên là hồ Cổ Yếm, nổi bật với màu xanh ngắt bao trùm khắp không gian rộng lớn với diện tích khoảng 20 ha. Độ đậm nhạt của màu xanh thay đổi nhiều lần trong ngày, tùy thuộc vào mây trời.
5. Đồ Sơn
Đồ Sơn chia làm 3 khu, trong đó khu 2 chuyên để tắm biển, khu 1 để ăn uống và đi dạo. Dọc đường ven biển, du khách có thể tham quan chùa Hang được lưu truyền là nơi đầu tiên Phật giáo du nhập vào Việt Nam; đền Ngọc Hoàng; đền Vạn Ngang. Chùa Tháp Tường Long nằm ở đỉnh núi cao nhất Đồ Sơn, từ đây có thể nhìn toàn cảnh vùng biển đẹp. Đền Bà Đế trên đường tới Đồ Sơn cũng rất nổi tiếng, thờ Trịnh Chúa phu nhân.
Đừng quên ghé thăm biệt thự Bảo Đại trên ngọn đồi với tầm nhìn ra 4 hướng lộng gió, mát mẻ ngay giữa mùa hè. Biệt thự bao phủ trong mùi hoa đại, tạo cảm giác dễ chịu khi tham quan. Bạn có thể thuê quần áo hoàng tộc để chụp ảnh tại đây, với giá 30.000 đồng một lượt.
Đồ Sơn có các khu vui chơi và tham quan như Đồi Rồng, Hòn Dấu và casino. Nhìn từ bản đồ, khu du lịch Đồi Rồng được thiết kế theo hình bông hoa phượng - biểu tượng của thành phố. Dự án bao gồm tổ hợp vui chơi giải trí theo chủ đề Sơn Tinh - Thủy Tinh rộng gần 25 ha; quần thể sân golf 27 hố, tầm nhìn trọn mặt biển; hệ thống biển hồ Lagoon được lọc bởi công nghệ lọc nước hiện đại; cát trắng mịn được vận chuyển từ Nha Trang.
Ngoài những địa điểm trên, Cát Bà là "viên ngọc" của du lịch Hải Phòng mà bạn không thể bỏ qua để tham quan các vịnh, đảo Khỉ và ăn hải sản.