Phát triển sản phẩm OCOP thực chất, bền vững với chất lượng được cải thiện, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

(CL&CS) - Theo số liệu từ Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến tháng 6/2024, cả nước có 13.368 sản phẩm OCOP. Số lượng sản phẩm hằng tháng đều tăng, cơ cấu sản phẩm có sự thay đổi, trong đó có hơn 70% được đánh giá 3 sao, khoảng 26% được đánh giá 4 sao, còn lại là sản phẩm 5 sao.

Ngày càng có nhiều sản phẩm tốt với chất lượng cải thiện, thân thiện với môi trường

Ngày 7/5/2018, Việt Nam chính thức ban hành chính sách tổng thể cấp quốc gia về Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 tại Quyết định số 490/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 1/8/2022, Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được ban hành kèm theo Quyết định số 919/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Sản phẩm OCOP tại Việt Nam ngày càng nhiều, phong phú về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng

Từ đó tới nay, Chương trình OCOP đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở tất cả các tỉnh, thành phố, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới ở tất các các địa phương. Chương trình đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường; khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng, miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp.

Các chuyên gia ngành nông nghiệp đánh giá, sau 5 năm thực hiện chương trình, số sản phẩm tham gia và được công nhận sản phẩm OCOP tại Việt Nam ngày càng nhiều, phong phú về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng… Ngày càng có nhiều sản phẩm tốt với chất lượng cải thiện, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có chỉ dẫn địa lý gắn với địa danh xuất xứ sản phẩm và chủ thể sản xuất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và thuận tiện cho cơ quan quản lý trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát sản phẩm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhận xét nhiều sản phẩm OCOP được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, tiếp cận thị trường xuất khẩu hướng đến cả những thị trường khó tính, có giá trị cao. Các khu vực nông thôn đã và đang hình thành nhiều vùng du lịch OCOP cùng với phát triển nhiều loại sản phẩm hàng hóa góp phần phục vụ phát triển du lịch của các địa phương như ẩm thực, chữa bệnh, làm đẹp, hàng tiêu dùng, quà lưu niệm… Sản phẩm OCOP cũng đã bước đầu khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương, đặc biệt là dịch vụ du lịch nông thôn.

Sản phẩm OCOP có ảnh hưởng ngày một lớn, có sức tiêu thụ tốt, nên được nhiều doanh nghiệp thương mại, siêu thị lớn đặt hàng đưa vào hệ thống phân phối ổn định. Thực tế cho thấy sau khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, đầu ra sản phẩm tốt hơn rất nhiều bởi được người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Cùng với đó, vì đảm bảo lợi ích, các tổ chức thương mại cũng ưu tiên đặt hàng tiêu thụ sản phẩm của các chủ thể OCOP.

Nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng cao đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như miến dong Tài Hoan (Bắc Kạn), càphê Bích Thao (Sơn La), đường thốt nốt Palmania (An Giang), gạo ST24 (Sóc Trăng), gạo đặc sản Thiên Vương (An Giang), chè hữu cơ Bản Liền (Lào Cai), miến dong Việt Cường (Thái Nguyên), mắm tôm Lê Gia (Thanh Hóa), Ladoactiso cao ống (Lâm Đồng), cà phê rang xay Darmark (Kon Tum), muối NADISALT (Nam Định)… đã xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Đan Mạch, Séc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…

Theo Ông Đào Đức Huấn - Trưởng phòng OCOP Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhìn lại tổng quan, Chương trình OCOP đến thời điểm hiện nay đã đạt được những kết quả tích cực. 

Ông Huấn cho biết, sau 6 năm triển khai cho thấy chính sách rất phù hợp khi Chương trình OCOP tiếp cận nhóm đối tượng sản phẩm địa phương của các chủ thể nhỏ. Chính vì vậy, Chương trình OCOP tạo ra một “sân chơi”, không gian cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có được nền tảng, động lực để triển khai những sản phẩm OCOP mang tính chất đặc thù của địa phương. 

Sau khi triển khai tại 63 tỉnh thành, hơn 600 đơn vị cấp huyện, hơn 80% các đơn vị cấp xã, đây là Chương trình được đánh giá có sự lan tỏa mạnh mẽ, tác động rất lớn.

Đến thời điểm hiện tại, sự đón của địa phương đối với chương trình rộng khắp khi được triển khai ở 63/63 tỉnh, thành với hơn 600 đơn vị cấp huyện, hơn 80% đơn vị cấp xã. Đây là chính sách có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian vừa qua.

Theo số liệu từ Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến tháng 6/2024, cả nước có 13.368 sản phẩm OCOP. Số lượng sản phẩm hằng tháng đều tăng, cơ cấu sản phẩm có sự thay đổi, trong đó có hơn 70% được đánh giá 3 sao, khoảng 26% được đánh giá 4 sao, còn lại là sản phẩm 5 sao.

Ngành hàng cũng hết sức đa dạng, và đặc biệt chương trình có sự tham gia chặt chẽ của các hợp tác xã. Không chỉ tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế vùng nông thôn, chương trình OCOP còn có những đóng góp không nhỏ về mặt xã hội khi quy mô lao động ngày càng tăng lên, trong đó có 40% chủ thể là nữ và 18% chủ thể là người dân tộc điều hành,… Đến nay, chương trình OCOP cũng đã tạo nên những thay đổi về mặt thương mại mạnh mẽ.

Khó khăn trong việc phát triển sản phẩm OCOP

Mục tiêu chính của chương trình OCOP là phát triển ngành nghề nông thôn, mở rộng thị trường, khơi dậy tiềm năng và lợi thế của các vùng miền. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững trên phạm vi cả nước.

Có thể khẳng định OCOP là một chương trình có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Các sản phẩm địa phương đạt chứng nhận OCOP ngày càng tăng nhưng việc phát triển sản phẩm OCOP còn nhiều điểm hạn chế, chưa thực sự đảm bảo tính bền vững. Đặc biệt, khâu tiêu thụ các sản phẩm OCOP hiện đang gặp khó khăn ngay tại thị trường trong nước và xuất khẩu thì đầy gian nan.

Không thể phủ nhận việc đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối hiện đại giúp khẳng định thương hiệu cho sản phẩm, tuy nhiên, theo các chuyên gia, lượng tiêu thụ sản phẩm OCOP ở các kênh phân phối này chưa lớn. Thậm chí có sản phẩm còn chưa thể tiếp cận được các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã làm ăn nhỏ lẻ vẫn lúng túng tìm đường vào siêu thị; trong khi nhà phân phối luôn hướng đến yếu tố bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng nên yêu cầu chi tiết các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, sản lượng phải đủ lớn, được khách hàng tin dùng để không nằm quá lâu trên kệ hàng…

PGS. TS Mai Quang Vinh, Viện trưởng Viện Công nghệ xanh cho rằng về cơ bản, những sản phẩm OCOP 4 sao trở lên đều có nhiều cơ hội vào các hệ thống siêu thị. Điều quan trọng là các chủ thể có duy trì và tiếp tục nâng được chất lượng sản phẩm, dịch vụ lên hay không. Có thể, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực trong nâng cao chất lượng dịch vụ nhưng không ít doanh nghiệp quy mô sản xuất nhỏ, nguồn lực hạn chế nên khó duy trì trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn của các nhà phân phối cũng như chưa thích ứng kịp với xu hướng mới của thị trường.

Tại một số địa phương, sự chủ động vào cuộc của chính quyền còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ thực chất đối với chủ thể OCOP, đặc biệt là nâng cao năng lực về tổ chức, quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm; nhiều sản phẩm chỉ quan tâm đến mẫu mã, bao bì, chưa chú trọng yếu tố chất lượng, nhất là gắn với thị hiếu tiêu dùng. Chưa kể, dòng vốn tín dụng vốn được coi là đòn bẩy giúp các sản phẩm OCOP vươn xa nhưng trong quá trình triển khai, các ngân hàng lại gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Đơn cử, giấy chứng nhận OCOP chỉ cấp chung cho hợp tác xã và các thành viên, không cấp riêng cho từng thành viên, dẫn tới khó khăn trong việc vay vốn đối với từng thành viên hợp tác xã. Các đơn vị cũng khó tiếp cận thị trường, thực hiện chế độ thống kê, kế toán mua bán hàng hóa thiếu hóa đơn tài chính, không bảo đảm chế độ phát hành hóa đơn của Nhà nước,.. Do đó, các ngân hàng cũng không đủ cơ sở để đánh giá, thẩm định cho vay.

Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

Để chương trình OCOP đạt hiệu quả và phát triển bền vững, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là cần thiết, trong đó hành lang pháp lý phải đi trước một bước. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi.

Ông Chu Ngọc Quý, Phó Trưởng Ban Khách hàng cá nhân, Agribank cho hay: Với vai trò là ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện sứ mệnh tam nông, trong những năm qua, Agribank luôn đồng hành, hỗ trợ khách hàng trong việc tư vấn, hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu vốn kinh doanh đối với khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, các khách hàng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP nói riêng.

Hiện nay, các khách hàng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP có thể vay vốn không có đảm bảo bằng tài sản với mức vay lên tới 1 tỷ đồng (đối với hợp tác xã, chủ trang trại), hoặc tối đa 80% dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao)...

Đặc biệt, Agribank có chương trình cho vay đối với khách hàng sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP có quy mô chương trình 2.000 tỷ đồng; đối tượng khách hàng là khách hàng vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP thuộc các nhóm sản phẩm; lãi suất cho vay ngắn hạn, trung, dài hạn đối với sản phẩm OCOP từ 3-5 sao thấp hơn tối đa 2,0%/năm. Chương trình mới triển khai 26/1/2024 đến nay có 28/171 chi nhánh triển khai, doanh số cho vay đạt 101 tỷ đồng.

Với ngân hàng, việc cấp vốn hay lãi suất, hoặc chương trình cho nông nghiệp không phải là vấn đề nhưng lại chưa có gói tín dụng đặc thù cho các khách hàng triển khai các sản phẩm OCOP. Dịch vụ tín dụng chưa đa dạng, chưa gắn với từng sản phẩm đặc thù, vùng miền địa phương. Cùng với đó, công tác tư vấn, hướng dẫn giữa ngân hàng và khách hàng về phương án kinh doanh, quản lý dòng tiền, bảo đảm tiền vay còn có vấn đề. Ngoài ra, phương thức cho vay như theo hạn mức hiện nay chưa phù hợp bởi đặc thù OCOP liên quan đến tính mùa vụ, vùng miền, nơi tiêu thụ…

Về phần mình, các chủ thể OCOP phải luôn có sự cải tiến sản phẩm, phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về sản phẩm OCOP cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, cơ quan, tổ chức về tầm quan trọng của chương trình OCOP, góp phần đẩy mạnh kinh tế nông thôn bền vững và bảo vệ môi trường.

Theo PGS.TS Mai Quang Vinh - Viện trưởng Viện Công nghệ xanh, để thúc đẩy mạnh mẽ cho các sản phẩm OCOP tiếp tục vươn xa, cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, cần hỗ trợ cơ sở sản xuất nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu thị trường. Tập trung hỗ trợ vào chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

Hai là, tăng cường liên kết giữa các sản phẩm. Nhà nước cần tìm lời giải, giúp các cơ sở liên kết với nhau trong chuỗi giá trị tạo sức mạnh thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường.

Ba là, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trong các kênh trong và ngoài nước. Đồng thời cần khuyến khích các cơ sở sản xuất quan tâm đến bộ nhận diện thương hiệu, đây là vấn đề quan trọng trong nền kinh tế thị trường đầy cạnh tranh hiện nay.

Bốn là, sản phẩm OCOP cần minh bạch nguồn gốc xuất xứ. Phải ứng dụng quản lý, chất lượng truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ hiện đại đến từng khâu sản xuất để đáp yêu cầu từ các thị trường khó tính.

Năm là, phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ để sản phẩm lan tỏa ra thị trường

Sáu là, các chương trình OCOP cần tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Nhà nước và sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Bảy là, nguồn vốn đối với chương trình OCOP cực kỳ quan trọng, phía Ngân hàng cần kết hợp với các bên tư vấn, cơ quan quản lý vận đồng tuyên truyền để các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư về công nghệ, chất lượng sản phẩm và việc truyền thông tới người tiêu dùng… góp phần giúp các sản phẩm OCOP mang lại lợi nhuận, qua đó triển khai hiệu quả nguồn vốn vay.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó cơ chế phải đi trước một bước. Theo đó cần xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP như thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển.

TIN LIÊN QUAN