Phát triển năng lượng phi truyền thống ở Việt Nam với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

(CL&CS) - Ngày 26/4/2024, tại Cung triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch xây dựng Quốc gia đã diễn ra Hội thảo “Tiềm năng phát triển năng lượng phi truyền thống ở Việt Nam” do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phối hợp cùng Công ty TNHH Dịch vụ triển lãm SES Việt Nam tổ chức, Hội thảo đã tập trung vào hai dạng năng lượng chính: khí hóa than ngầm và năng lượng địa nhiệt.

Chương trình được trình bày bởi những chuyên gia hàng đầu đến từ Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Dầu Khí, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên – môi trường biển khu vực phía Bắc,… nhằm giải mã tiềm năng và phác thảo lộ trình khai thác năng lượng phi truyền thống phù hợp trong bối cảnh xu hướng phát triển bền vững đang “lên ngôi”.

​Hội thảo “Tiềm năng và Hướng phát triển Khai thác năng lượng phi truyền thống ở Việt Nam được diễn ra với sự tham gia của nhiều đơn vị, doanh nghiệp

Chương trình nằm trong khuôn khổ triển lãm Mining Vietnam 2024 với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời mang đến cho các doanh nghiệp và khách tham quan chuyên ngành cơ hội tiếp cận và trải nghiệm công nghệ mới nhất từ cả ngành khai khoáng và xây dựng.

Việt Nam được coi là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, tập trung hơn 5,000 điểm mỏ của 60 loại khoáng sản như than, quặng boxit, apatit, titan, đất hiếm,... Với lịch sử khai thác gần 180 năm, ngành than Việt Nam từ lâu đã trở thành ngành công nghiệp khai khoáng chủ lực nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, quặng boxit với trữ lượng lên đến 5,8 triệu tấn đã đưa Việt Nam trở thành trở thành quốc gia sở hữu tiềm năng về quặng boxit lớn thứ hai toàn cầu (Cục Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS), 2023).

Tiềm năng của ngành năng lượng phi truyền thống đang dần trở thành xu hướng chủ đạo và nhận được nhiều sự quan tâm tại Việt Nam. Việc phát triển năng lượng phi truyền thống là rất cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần phát triển kinh tế ở các tỉnh, bảo vệ môi trường, và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Gian trưng bày của các đơn vị là cầu nối giao thương cho doanh nghiệp ngành khai khoáng, xây dựng

Để huy động nguồn tài nguyên than một cách kinh tế nhất, từ lâu, con người đã biết áp dụng công nghệ khí hóa than ngầm UCG (Underground Coal Gasification). Theo tính toán của các chuyên gia, công nghệ UCG có thể giúp tăng gấp đôi khả năng sử dụng than trên toàn cầu. Khí hóa than ngầm (UCG) là một loại hình khí hóa than tại chỗ, trong các vỉa than nằm sâu dưới bề mặt đất. Qua các lỗ khoan, không khí, ôxy, hoặc hơi nước được bơm vào trong vỉa than, đốt cháy và cung cấp nhiên liệu cho quá trình cháy ngầm. Một giếng riêng biệt được sử dụng để đưa sản phẩm khí tạo ra trong quá trình đốt lên mặt đất.

UCG vừa được xem là một quá trình khai thác (như khai thác than) vừa được xem là một quá trình chuyển đổi (khí hóa) nhằm tạo ra một loại khí tổng hợp. Loại khí này được xử lý để sản xuất ra nhiên liệu cho nhà máy điện, dầu Diêzen, nhiên liệu phản lực, khí hydro, phân bón, hóa chất…

Các giải pháp sử dụng than truyền thống và phi truyền thống, như công nghệ UCG, đều đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu năng lượng trong xã hội ngày càng tăng.

Các chuyên gia cho biết, bể than sông Hồng có tiềm năng tài nguyên than rất cao (cao nhất Việt Nam). Nếu tính đến độ sâu -3500m thì tổng tài nguyên than đạt 210 tỷ tấn, gấp 20 lần bể than Quảng Ninh. Theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp than được Thủ tướng phê duyệt ngày 16/1, Việt Nam đặt mục tiêu tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư, lựa chọn công nghệ, phương pháp thăm dò bể than sông Hồng đến năm 2030. Việc thăm dò một phần diện tích và điều tra, đánh giá bể than sông Hồng được hoàn thành trong 15 năm sau đó.

Theo quy hoạch mới đây, Việt Nam phấn đấu sản lượng khai thác than thương phẩm đạt 45-50 triệu tấn (không tính than bùn) năm 2030 sau đó giảm 7-10 triệu tấn trong 15 năm tiếp theo. Các địa phương có điểm than trữ lượng nhỏ được khuyến khích khai thác phục vụ nhu cầu tại chỗ. Than bùn được chú trọng làm nhiên liệu và phân bón cho ngành nông, lâm nghiệp. Các mỏ than lớn được khai thác theo tiêu chí xanh, hiện đại, sản lượng cao, an toàn, bền vững, tiết kiệm.

Các chuyên gia cho rằng, nên triển khai công tác khai thác than thử nghiệm bằng công nghệ khí hóa than ngầm ở những vị trí đã thăm dò chi tiết trên nguyên tắc không ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của người dân. Tuy nhiên, trước khi khai thác thử nghiệm phải nghiên cứu chi tiết, kỹ lưỡng điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn khu vực khai thác và làm rõ hiệu quả kinh tế của việc khai thác.

Với xu hướng bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Tiến hành chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng.

Tại Hội thảo, theo các nhà khoa học, khai thác, phát triển năng lượng địa nhiệt có hiệu quả về kinh tế cao, có khả năng thực hiện và thân thiện với môi trường. Nghiên cứu địa nhiệt ở Việt Nam đã được quan tâm từ khá lâu, bắt đầu từ nghiên cứu các nguồn nước khoáng nóng trong các chương trình địa chất thủy văn với sự hợp tác với các chuyên gia đến từ Pháp, Mỹ, New Zealand, Italia… và gần đây là sự hỗ trợ của Nhật Bản trong nghiên cứu và lắp đặt hệ thống bơm địa nhiệt tầng nông. Qua các khảo sát nghiên cứu đánh giá, Việt Nam có tiềm năng địa nhiệt đáng kể và có thể phát triển các nhà máy điện địa nhiệt.

Một số chuyên gia đề xuất, Nhà nước cần đưa ra cơ chế chính sách phù hợp nhằm khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng phi truyền thống; có chính sách trợ giá, giảm thuế để giảm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo; đầu tư đổi mới công nghệ trong sử dụng tiết kiệm năng lượng đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong sử dụng và tiết kiệm năng lượng. 

TIN LIÊN QUAN