Phát triển làng nghề gắn với du lịch: Làm sao khơi gợi tiềm năng?

(CL&CS) - Hà Nội là vùng đất có nhiều làng nghề được hình thành, tồn tại và phát triển từ rất sớm, tạo nên những nét đặc sắc riêng có. Ở các địa phương, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các làng nghề không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần đưa ngành du lịch phát triển ngày một đa dạng.

Tiềm năng du lịch lớn

Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hà Nội là địa phương tập trung số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó, có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận, thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã.

Phát triển làng nghề gắn với du lịch sẽ là lối đi bền vững giúp phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương. (Ảnh: Đinh Luyện)

Làng nghề đã và đang góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân, đồng thời là nơi chứa đựng các giá trị về văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa khác vốn là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển thủ công mỹ nghệ và du lịch văn hóa, vốn là lĩnh vực cấu thành nên ngành công nghiệp văn hóa.

Mỗi làng nghề của Hà Nội đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Chẳng hạn như, làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc… đã và đang thành công trong việc phát triển du lịch làng nghề khi đón nhiều lượt khách du lịch trong ngày với các hoạt động tham quan nơi sản xuất, mua hàng làm quà lưu niệm.

Không chỉ vậy, Hà Nội còn nhiều làng nghề lâu đời khác như mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động (huyện Thường Tín), tò he Xuân La, khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên), phường rối Chàng Sơn (huyện Thạch Thất)... đều là những nơi có tiềm năng lớn trong việc phát triển trở thành điểm du lịch, có thể gắn kết với các sản phẩm du lịch khác để phát triển bền vững.

Thực tế cũng cho thấy, phát triển loại hình du lịch làng nghề mang lại lợi ích kép về kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Nếu phát huy được hiệu quả tiềm năng của các làng nghề thì lợi ích mang lại là rất lớn. Để khai thác phát triển du lịch làng nghề theo hướng bền vững, nhằm phát huy hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần quan tâm tới công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa cũng như khôi phục và phát triển các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống trong khu vực làng nghề, nhằm giữ gìn bản sắc văn hoá của làng nghề, tạo sức hút với du khách.

Mở ra hướng đi mới

Hà Nội là địa phương duy nhất trên cả nước ban hành Nghị quyết và xây dựng Đề án về phát triển công nghiệp văn hóa, coi ngành thủ công mỹ nghệ - làng nghề truyền thống là lĩnh vực công nghiệp sáng tạo có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của thành phố.

Ở câu chuyện biến tiềm năng thành lợi thế, nhờ sự hoạch định rõ đường hướng nên thị xã Sơn Tây đã trở thành điển hình trong phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch của Hà Nội. Theo Thị ủy Sơn Tây, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sơn Tây được xác định là một trong năm đô thị vệ tinh của Thủ đô với tính chất là đô thị văn hóa lịch sử và du lịch nghỉ dưỡng. Bởi vậy, đến Sơn Tây, ngoài việc được tham quan các di tích lịch sử nổi tiếng xứ Đoài thì du khách còn được tìm hiểu một số nghề truyền thống vẫn được người dân nơi đây gìn giữ.

Đơn cử, bánh tẻ Phú Nhi (phường Phú Thịnh) là món ăn vô cùng bình dị của xứ Đoài được làm từ những nguyên liệu đơn giản như gạo tẻ, mộc nhĩ, thịt, hành khô. Năm 2007, Phú Nhi được công nhận là làng nghề bánh tẻ truyền thống. Năm 2010, làng nghề Phú Nhi được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng thương hiệu “Bánh tẻ Phú Nhi”. Đây là cơ hội để người dân tự tin sống bằng nghề làm bánh tẻ truyền thống. Hiện nay, ngoài bán tại địa phương, bánh tẻ Phú Nhi đã có mặt ở khắp các điểm du lịch của Sơn Tây và được nhiều du khách yêu thích...

Tương tự, tại huyện Thường Tín, địa phương này có 126 làng nghề, trong đó có 48 làng nghề được Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống với nhiều làng nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, nghề hoa cây cảnh Hồng Vân, bánh dày Quán Gánh, lược sừng Thụy Ứng...

Hiện tại, trên địa bàn huyện được UBND Thành phố công nhận 4 điểm du lịch, gồm: Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái, điểm du lịch làng nghề sừng Thụy Ứng và điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm. Với thế mạnh và tiềm năng vốn có, Thường Tín đã và đang tập trung đẩy mạnh liên kết các địa phương có lợi thế về du lịch, đồng thời liên kết trao đổi học hỏi kinh nghiệm với các điểm du lịch trên địa bàn.

Phát triển làng nghề gắn với du lịch là hướng đi tất yếu để vừa giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc của từng địa phương, vừa thúc đẩy du lịch phát triển. Do vậy, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch làng nghề; quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng; phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề một cách bài bản…

TIN LIÊN QUAN